Cha mẹ và giáo viên Trung Quốc đặt rất nhiều áp lực, buộc trẻ em phải tập trung vào sự hoàn hảo. Nếu trẻ đạt được số điểm 98%, thay vì nhận lời khen ngợi, cha mẹ Trung Quốc thường tập trung vào 2% chưa đạt của trẻ.
Người Mỹ có xu hướng ít quan tâm tới điểm số hơn. Hệ thống cho điểm của Mỹ truyền tải một thông điệp mang tính khái quát hơn về cách thức đánh giá tiến bộ học thuật ở trẻ. Thay vì cụ thể dưới dạng con số, trẻ em Mỹ được chấm điểm bằng một ngôi sao, một khuôn mặt cười và chữ "S" hoặc "S+" với những trẻ lớn hơn.
Nếu trẻ đạt được số điểm 98%, thay vì nhận lời khen ngợi, cha mẹ Trung Quốc thường tập trung vào 2% chưa đạt của trẻ (Ảnh minh họa)
2. Lòng tự tôn
Theo ý thức hệ Khổng Tử, trẻ em Trung Quốc phải học hành chăm chỉ, phải bền bỉ, kiên trì và phải tôn trọng quyền lực. Đây là những điểm mấu chốt để thành công trong cuộc sống. Còn cảm giác thoải mái về chính bản thân được xếp hàng thứ yếu.
Suốt hơn 40 năm qua, giáo viên Mỹ luôn được hướng dẫn rằng, lòng tự tôn của một học sinh nhỏ tuổi đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng tâm lý của trẻ. Trẻ không bị gây áp lực phải đạt 100% trong mọi bài kiểm tra và thành công có mối liên hệ với rất nhiều thứ khác nhau, vượt lên trên điểm số.
Trẻ em Mỹ không bị gây áp lực phải đạt 100% trong mọi bài kiểm tra (Ảnh minh họa).
3. Sự tôn trọng dành cho giáo viên
Theo một nghiên cứu quốc tế được BBC đưa tin, dựa trên câu trả lời của 1.000 người trưởng thành đến từ các quốc gia khác nhau, kết quả cho thấy, Trung Quốc là nước có mức độ tôn trọng cộng đồng cao nhất.
Sự khác biệt văn hoá trong nhận thức về vai trò của giáo dục là một phần quan trọng tác động tới cách hành xử của học sinh trong lóp và cách họ đánh giá giá trị việc học hành. Ở Trung Quốc, phụ huynh có xu hướng đứng về phía giáo viên hơn là chọn cách đối đầu.
Hệ thống giáo dục Trung Quốc tập trung rất nhiều vào việc học thuộc lòng và hình thức lặp đi lặp lại (Ảnh minh họa).
Trong khi ở Mỹ, cả phụ huynh lẫn học sinh đều không coi giáo viên là quyền lực sau cùng, có thể tác động lớn lao tới họ. Những khác biệt này có liên quan tới kỹ thuật quản lý lớp học được yêu cầu trong các trường ở Mỹ và Trung Quốc.
4. Mức độ độc lập
Giáo viên và phụ huynh Trung Quốc nhìn chung không có xu hướng phát triển trẻ trở thành những cá nhân độc lập như mục tiêu của người Mỹ. Thay vì hướng dẫn, dạy dỗ học sinh cách suy nghĩ và tự mình tìm ra câu trả lời, trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, đáp án được "dâng tận miệng" cho trẻ. Họ tập trung rất nhiều vào việc học thuộc lòng và hình thức lặp đi lặp lại.
Trẻ em Mỹ nhìn chung có khả năng tự suy nghĩ tốt hơn. Trường học Mỹ đặc biệt nhấn mạnh tới lối tư duy phản biện và cách đặt câu hỏi về tất cả mọi thứ. Trong khi đó, trẻ em Trung Quốc không được trông đợi sẽ học điều này ở trường: chúng chỉ có thể tự mình lĩnh hội điều đó mà thôi.
5. Khả năng sáng tạo
Trẻ em Trung Quốc làm nhiều bài tập hơn hẳn so với trẻ em Mỹ. Sau một ngày học thông thường, phần lớn trẻ được đưa tới các lớp học thêm, do đó, trẻ có ít cơ hội để tham gia các hoạt động ngoại khoá, nhất là các môn thể thao. Kết quả là, trẻ thiếu thời gian để tưởng tượng, suy nghĩ, sáng tạo và chơi đùa.
Ngoài học trên lớp, trẻ em Trung Quốc còn được cha mẹ đưa đến các lớp học ngoại khóa, học thêm (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, trẻ em Mỹ có nhiều thời gian để làm những việc khác ngoài giờ học ở trường. Nhờ thế, trẻ có được cách nhìn cởi mở hơn, sâu rộng hơn về cuộc sống và trẻ có cơ hội được tự mình khám phá mọi thứ.
Trong khi đó trẻ em Mỹ được tự do làm nhiều việc ngoài giờ học (Ảnh minh họa).
6. Hạnh phúc cá nhân
Người Trung Quốc tin rằng, giáo dục có thể giúp nâng cao địa vị kinh tế của họ và có thể thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội. Trẻ em Trung Quốc tập trung quá nhiều vào việc học hành do chúng chịu áp lực nặng nề từ cha mẹ, giáo viên và ngay cả bạn bè cùng lứa.
Còn niềm vui cá nhân, hạnh phúc cá nhân của trẻ không được coi trọng. Một số nghiên cứu cho thấy, mối bận tâm phổ biến nhất về sức khoẻ tâm lý ở trẻ em Trung Quốc chính là tình trạng stress do áp lực học hành.
Trẻ em Mỹ có nhiều hoạt động giải trí, thư giãn hơn. Trẻ chơi đủ mọi môn thể thao, có thời gian làm những việc yêu thích, nhờ đó, giải toả được áp lực học hành và tăng cơ hội trải nghiệm một cuộc sống phong phú hơn, vui vẻ hơn ngoài trường học.