Nhà phát minh vĩ đại Edison và chiếc bóng đèn lịch sử
Người tiên phong luôn làm những điều khác biệt, điều này luôn đúng trong sáng tạo khoa học. Vì quá mới mẻ và đi ngược lại những thói quen xã hội, không ít phát minh phải trải qua giai đoạn thử thách dư luận để được công nhận giá trị.
Bóng đèn
Năm 1878, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison (1847-1931) bắt tay nghiên cứu bóng đèn dây tóc nhưng không mấy ai quan tâm.
Họ cho rằng thứ ánh sáng đó trái với tự nhiên. Nhiều người còn ví đèn dây tóc giống như những đốm sáng ma trơi và chỉ có thể sử dụng trong truyện cổ tích.
Một ủy viên của Nghị viện Mỹ từng phát biểu: "Bóng đèn của Edison chỉ hữu dụng ở phía bên kia Đại Tây Dương, không phải nước Mỹ".
Theo thời gian, người ta cũng phải thừa nhận những giá trị mà bóng đèn mang lại. Đến nay bóng đèn điện đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Dòng điện xoay chiều
Dòng điện xoay chiều của Tesla từng bị chỉ trích có thể gây chết người
Edison là người sáng tạo ra bóng đèn dây tóc, đồng thời cũng là người ủng hộ dòng điện một chiều. Nhưng nhà khoa học này đồng thời cũng là người phản đối việc sử dụng dòng điện xoay chiều do nhà khoa học Nikola Tesla (1856-1943) nghiên cứu dù cho hiệu quả của dòng điện mới tốt hơn nhiều.
Edision từng cho rằng: "Việc khuyến khích sử dụng dòng điện xoay chiều chỉ làm lãng phí thời gian. Sẽ không ai sử dụng đâu".
Thậm chí lúc đó có cả một thí nghiệm chứng minh dòng điện xoay chiều có thể gây chết người để chống lại sự phát triển của xu hướng mới này.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, dòng điện xoay chiều đã nắm phần thắng. Và ngày nay, điện xoay chiều được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại.
Máy bay
Chuyến bay 12 giây ngắn ngủi của anh em nhà Wright
Anh em nhà Wright được xem là người phát minh ra máy bay khi vào năm 1903 thực hiện chuyến bay lịch sử kéo dài 12 giây.
Lúc ra đời, máy bay gặp nhiều chỉ trích. Năm 1911, Ferdinand Foch (1851-1929), một vị tướng của quận đội Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất cho rằng máy bay chỉ là món đồ chơi khoa học hấp dẫn chứ không có ý nghĩa gì với quân đội.
Thế nhưng kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, máy bay trở thành thứ vũ khí lợi hại trong quân đội và là phương tiện đi lại không thể thiếu trong giao thông vận tải.
Điện thoại
Phát minh điện thoại của Bell hóa ra lại bị xem là đồ chơi trẻ con
Chiếc điện thoại gắn liền với nhà khoa học người Scotland Alexander Graham Bell (1847-1922).
Năm 16 tuổi, ông bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về cơ chế truyền âm. Đến năm 1876, Alexander Graham Bell được cấp bằng sáng chế điện thoại và được mệnh danh là cha đẻ ngành truyền thông.
Nhưng khi ông định bán phát minh của mình cho công ty truyền thông của Mỹ Western Union với giá 100.000 USD, hội đồng quản trị của công ty không chấp thuận và cho rằng thiết bị của ông có những hạn chế rõ rệt và không hơn gì một món đồ chơi cho trẻ con.
Không dừng bước, Bell tự thành lập một công ty điện thoại vào năm 1977. Chưa đầy 1 thập niên sau, khoảng 150.000 người sử dụng điện thoại trên khắp nước Mỹ.
Tivi
John Logie Baird, người đặt nền móng cho nền công nghiệp truyền hình
Ngày 25-3-1925, nhà phát minh người Scotland John Logie Baird (1888-1946) lần đầu tiên biểu diễn truyền hình chiếu bóng di động ở London bằng một hình nộm nói chuyện và di chuyển.
Tháng 1-1926, Baird đã chứng minh có thể truyền tải hình ảnh đang chuyển động qua sóng radio. Đến năm 1928, người ta đã có thể phát-nhận sóng truyền hình xuyên Đại Tây Dương - giữa London và New York.
Lee De Forest từng có nhiều lời phê bình với những phát minh mới
Tuy nhiên tivi lúc ra đời cũng gặp không ít lời phê bình. Lee De Forest, người thường được xem là cha đẻ của ngành phát thanh, nói rằng tivi là một phát minh không thể nào thành hiện thực và không thể được sử dụng thương mại vì chi phí đắt đỏ. "Con người chỉ có thể có tivi trong mơ", Lee De Forest nói.
Thậm chí 20 năm sau, nhà sản xuất phim Darryl Zanuck vẫn ngờ vực rằng: "Con người sẽ sớm mệt mỏi với việc dán mắt vào màn hình tivi mỗi đêm".
Tàu vũ trụ
Thế kỷ 20, Liên Xô là quốc gia đi đầu trong nền công nghiệp vũ trụ
Trong thế kỷ 20, những nhà khoa học người Nga, điển hình là Konstantin Tsiolkovsky cố gắng tìm cách thức để con người có thể khám phá không gian bằng tên lửa.
Tuy nhiên những năm 1920, Lee De Forest nói rằng: "Tôi cam đoan rằng những chuyến bay như vậy của con người không bao giờ thành hiện thực dù cho khoa học có tiến bộ đến đâu."
Tờ The New York Times khi đó cũng kết luận tương tự: "Tên lửa sẽ không thể rời khỏi khí quyển Trái Đất".
Thế nhưng năm 1961, nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ và đến năm 1969, tài Apollo 11 đã đáp xuống Mặt trăng thành công.
Dù (ô)
Mang dù ra đường từng bị chỉ trích nặng nề ở Anh
Không phải là nhà phát minh, nhưng Jonas Hanway (1712-1786) góp phần đem dù vào đời sống nước Anh. Khi đó người dân cho rằng dù là biểu tượng của sự yếu đuối và mang nặng văn hóa Pháp - vốn là đối thủ của Anh.
Vào giữa thế kỷ 18, người Anh thường chê bai những người sử dụng dù trên đường. Jonas Hanway mặc kệ dư luận, vẫn đi lại với chiếc dù trên tay. Mọi người tránh xa ông, gọi ông là "quái vật" nguy hiểm.
Theo thời gian, người Anh quen dần với hình ảnh những chiếc dù trên đường phố và sử dụng rộng rãi để che mưa che nắng. Thậm chí dù còn được coi như một phụ kiện thời trang đi kèm của nhiều chị em khi ra đường.
Và không còn ai thấy mang dù là yếu đuối khi Jonas Hanway nhiều năm dũng cảm chống lại chỉ trích của mọi người xung quanh và đã chiến thắng.