Thời tiết chuyển mùa làm các bệnh hô hấp phát triển
Cúm mùa
Thường mọi người nghĩ rằng mùa đông là “độc quyền” về bệnh cúm, nhưng trên thực tế, mùa thu là thời điểm bệnh cúm bắt đầu. Nhiệt độ mát lạnh của mùa thu thường khiến cho virut có cơ hội tồn tại lâu hơn. Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển sang giao mùa, chủ yếu do các chủng virut cúm gây ra.
Triệu chứng của cúm mùa bao gồm khởi phát đột ngột, sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Một số người còn bị nôn mửa và tiêu chảy. Hầu hết mọi người hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần, nhưng cúm cũng có thể gây ra bệnh trầm trọng và tử vong ở nhóm có nguy cơ cao. Thời gian ủ bệnh 2-3 ngày, bệnh lây lan rất nhanh và dễ dàng qua các hạt nhỏ bị người nhiễm ho bắn vào không khívà tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virut cúm, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Khác với cảm thông thường, virut cúm mùa có tính chất dễ biến đổi chủng nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virut cúm mới, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250-500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng virut cúm gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào thời điểm giao mùa và mùa đông xuân.
Phòng ngừa cúm mùa: Theo WHO, việc tiêm phòng vắc-xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70 - 80%. Ngay cả người khỏe mạnh, việc tiêm ngừa cúm làm giảm 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh cúm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo sử dụng chích ngừa vắc-xin cúm và vắc-xin cúm tái tổ hợp. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc- xin cúm mùa phòng bệnh; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Viêm họng
Hệ thống miễn dịch của cơ thể thường bị suy giảm hơn vào mùa thu nên rất dễ bị viêm họng. Hơn nữa, sự thay đổi nhiệt độ, không khí đột ngột kết hợp với gió mạnh có thể khiến các loại virut gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, viêm họng rất dễ bùng phát vào mùa thu. Thông thường đau họng là do nhiễm virut hoặc vi khuẩn. Viêm họng do virut sẽ có các triệu chứng sau: Chảy nước mũi cùng với mắt ngứa và đỏ; Giọng khàn; Đau họng; Khó thở; Các triệu chứng cảm lạnh và đau cơ thể cùng với sốt. Khi bị đau họng quá 3 ngày, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp. Nếu do vi khuẩn gây viêm họng, bác sĩ có thể cho sử dụng kháng sinh.
Phòng ngừa viêm họng lây lan: Có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn lây lan bằng cách rửa tay kỹ và lau khô bằng khăn sạch. Cần rửa tay sau khi ho, hắt hơi hoặc hỉ mũi. Nếu bị bệnh, hãy tránh sờ vào mắt, mũi hoặc miệng. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn lây lan. Sử dụng khăn giấy và vứt bỏ chúng sau khi sử dụng. Không hắt hơi hoặc ho trên tay áo, vì chúng có thể lây nhiễm cho người khác.
Bệnh tay - chân - miệng
Bệnh tay - chân - miệng (TCM) là căn bệnh cũng thường gặp trong mùa tựu trường. Bệnh TCM là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virut từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TCM. Khuyến cáo, nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau và thuốc bổ.
Phòng ngừa bệnh TCM trong trường học: Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình. Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ. Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh TCM nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh.