Đó là chia sẻ của thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh (giảng viên Bộ môn y học gia đình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) trong buổi nói chuyện chuyên đề “
Trầm cảm - Căn bệnh của xã hội hiện đại”, diễn ra tại Nhà văn hóa phụ nữ TP.HCM vào ngày 28.5.
Bệnh không của riêng ai
Một phụ huynh góp chuyện: “Chị ruột tôi thường gây áp lực học hành lên đứa con thứ hai của mình bằng những câu nói như: "Ba, mẹ, anh con ai cũng đã học đại học thì bằng mọi giá con cũng phải tốt nghiệp đại học". Những áp lực như vậy khiến đứa cháu tôi bị sụt cân, khủng hoảng. Nhà trường mời gia đình vào đề nghị chuyển trường cho cháu vì cháu không học được, mải chơi game. Gia đình dẫn cháu đi khám bệnh, cho uống thuốc. Có một thời gian cháu tạm ổn định, ba mẹ lại bắt cháu học xong đại học thì mới đi làm được. Đến nay, từ trầm cảm, cháu phải chuyển sang điều trị tâm thần…”.
Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh chia sẻ về căn bệnh trầm cảm - Ảnh: Nguyễn Như
|
Bà N.T.K.L (quê Hải Dương) cũng nhìn nhận bản thân bà và hai đứa con đang gặp những vấn đề trầm cảm. Theo bà K.L, con trai bà từng học ĐH Hàng hải, nhưng trong thời gian học thì vướng vào chuyện yêu đương bế tắc. Không đến được hôn nhân với người mình yêu, chàng trai bị trầm cảm, bỏ bê học hành và có ý định tự tử…
Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa trầm cảm “là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn rầu, mất sự thích thú hoặc khoái cảm, cảm giác tội lỗi hoặc giá trị bản thân thấp, rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung”.
Ông cũng nhìn nhận trầm cảm không phải là căn bệnh của riêng ai, mà bất kể người nào cũng có thể mắc phải, kể cả trẻ sơ sinh. Trầm cảm gây hậu quả tàn phế đứng hàng đầu, ảnh hưởng nặng nề đến gia đình, xã hội…
Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh cho hay bản thân ông cũng từng gặp những trầm cảm trong nghề nghiệp và trong đời sống. Và đó cũng là một trong những yếu tố thôi thúc ông rẽ hướng để trở thành
bác sĩ gia đình như hiện nay.
Có thể điều trị dứt điểm?
|
|
3 bí quyết phòng tránh trầm cảm
- Giữ thái độ sống tích cực - biết đón nhận sự muôn mặt của cuộc sống và tự tin để vươn lên
- Buông xả hơn là níu giữ
- Chia sẻ với bạn bè
|
|
|
Trong buổi nói chuyện chuyên đề trên, một phụ nữ tên Thủy băn khoăn: “Liệu trầm cảm có điều trị dứt điểm hay không?”. Chị Thủy bộc bạch: “Tôi bị rối loạn khí sắc lưỡng cực nhưng không kể cho người thân nghe, vì sợ ‘lây’ và làm phiền họ. Thay vào đó, tôi cố gắng tự tìm cách giải thoát như đọc sách, đi bộ… Vậy mà tôi nhận thấy mình vẫn còn biểu hiện trầm cảm như vui/buồn quá mức, vẫn còn cái gì đó đeo đẳng trong tâm, khiến mình không thể dứt hẳn được”.
Thạc sĩ, chuyên viên tư vấn tâm lý lâm sàng Nguyễn Ngọc Diệp nói: “Câu hỏi của chị Thủy là câu hỏi mà trong quá trình làm tham vấn, tôi cũng rất thường gặp. Theo tôi, thời gian điều trị bệnh này tùy theo mức độ phản ứng của mỗi cơ thể và tùy mức độ bệnh của mỗi người. Theo đó, bác sĩ đưa ra liệu pháp điều trị cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ bị tái lại cũng có. Ví dụ một người bị trầm cảm nặng mà điều trị trong vòng 3 tháng, 6 tháng thì tôi nghĩ rằng nó chưa đáp ứng đủ để mà hết bệnh. Theo tôi, nên kết hợp điều trị tâm lý và thuốc”.
Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, khi gặp vấn đề về sức khỏe thì nên chia sẻ với ai đó. Sau khi được người kia tiếp nhận, sự căng thẳng sẽ giảm đi phân nửa. “Khi có sự cố thì phải tìm những nơi để xả ra, chứ ôm một mình thì căng lắm! Nếu tình trạng căng thẳng quá mà không có chỗ bám víu thì rất dễ có ý định tự sát hoặc tự hại bản thân”, bác sĩ Chánh lưu ý.
TIN LIÊN QUAN
5 cách để vượt qua trầm cảm
Theo NHS (hệ thống dịch vụ sức khỏe quốc gia của Anh), cứ 10 người sẽ có một người bị chứng trầm cảm trong, còn theo WHO đã đưa ra con số là 350 triệu người mắc chứng trầm cảm trên toàn thế giới.
Bác sĩ Chánh cho hay thời gian điều trị thường kéo dài vài tháng đến cả năm, bằng phương pháp
tâm lý trị liệu (tâm lý, gia đình, xã hội nâng đỡ, chia sẻ, cảm thông…) hoặc có thể kết hợp với thuốc men.
Để phòng tránh trầm cảm, bác sĩ Chánh nên ba bí quyết: Giữ thái độ sống tích cực - biết đón nhận sự muôn mặt của cuộc sống và tự tin để vươn lên; buông xả hơn là níu giữ; chia sẻ với bạn bè.
Theo các tài liệu thu thập được, bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh cho rằng những người dễ bị trầm cảm thường là người làm việc toàn thời gian trong những ngành nghề sau: Nghề chăm sóc trẻ/chăm người bệnh tại nhà; nhân viên y tế; nhân viên công tác xã hội; nghệ sĩ, người làm trong ngành giải trí, người viết; nhân viên phục vụ đồ ăn; giáo viên; nhân viên bán hàng; tư vấn tài chính và kế toán; hỗ trợ khách hàng.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm: sự cô đơn; không có sự nâng đỡ về xã hội; gặp phải những sự kiện gây stress trong cuộc sống; tiền sử gia đình có người bị trầm cảm; có những vấn đề về hôn nhân hoặc những mối quan hệ khác trong gia đình, bạn bè; bị lạm dụng hoặc gặp phải những sang chấn từ tuổi thơ; nghiện rượu hoặc nghiện chất; thất nghiệp hoặc bị lạm dụng sức lao động quá mức; có những vấn đề về sức khỏe hoặc những bệnh lý đau mạn tính.
Những dấu hiệu - chẩn đoán của người bị trầm cảm: khí sắc trầm; mất hết sự quan tâm thích thú; sụt ký hoặc tăng ký; rối loạn giấc ngủ, ngủ ít hoặc nhiều; giảm khả năng tập trung, khó ra quyết định; rối loạn hành vi tác phong, kích thích hoặc chậm chạp; cảm thấy mất sức sống, mệt mỏi; cảm giác tội lỗi, tự đánh giá thấp; nghĩ đến cái chết, ý tưởng tự sát…
|