Và đó không chỉ là câu chuyện của một nhà, mà là câu chuyện của nhiều nhà. Than vãn thì vẫn than vãn nhưng các chị không có ý định thay đổi suy nghĩ “con là trung tâm vũ trụ” của mình. Chuyện ăn uống cũng chỉ là một trong những câu chuyện rất nhỏ nhưng nó lại phản ánh khá nhiều về cách dạy con của nhiều bà mẹ Việt.
Tình cờ đọc một cuốn sách về cách dạy con của các bà mẹ Do Thái, tôi đã hiểu tại sao cùng được thế giới đánh giá cao về độ thông minh nhưng người Do Thái lại có thể thành công hơn rất nhiều. Đó là nhờ một yếu tố gọi là AQ - chỉ số vượt khó.
Hầu hết các gia đình Việt Nam hiện nay đều chạy theo mô hình 4-2-1, tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh một đứa trẻ. Họ không hề hay biết điều này đang đầu độc hành vi và tâm lý của con cái.
Vô tình, chúng tự cho mình là độc tôn, là trung tâm của sự chú ý. Trong khi đó, những gia đình người Israel hoàn toàn ngược lại. Họ thương con theo mô hình 80-20, tức là 80% yêu thương và 20% lý trí. Họ dùng lý trí để rèn luyện cho con cái mình khả năng tự lập và những kĩ năng sinh tồn.
Phần lớn các gia đình Việt Nam đều cho rằng IQ (chỉ số thông minh) là quan trong nhất, tiếp đến là EQ (chỉ số cảm xúc), trong khi ở người Do Thái, chỉ số EQ và AQ chiếm đến 80% sự đánh giá về mức độ thành công của một đứa trẻ. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, ba mẹ Do Thái thường dạy cho con mình làm việc nhà, tự ăn uống, chứ không phải làm thay chúng hay chạy theo để đút từng muỗng cơm.
Tôi còn nhớ chuyện của cô em họ. Ngày đó, cô chú tôi đi làm suốt, nhưng cô ngày nào cũng tranh thủ về sớm để nấu cơm tối cho gia đình.
Sau bữa cơm thì cô chú chia nhau ra rửa bát. Mỗi lần con bé tới gần đòi phụ là y như rằng đều bị kêu lên phòng học bài đi, chén bát để ba mẹ lo.
Cứ như thế cho đến khi học đại học, con bé gần như không hề biết đến hai chữ “việc nhà.” Sướng quá riết quen, khi em ngày một lớn, cô chú thường nhờ em làm việc này việc kia thì em bắt đầu cau có, vì em có biết làm gì đâu.
Chưa hết, vì cái gì cũng được ba mẹ làm giùm, nên em cũng quen thói ỷ lại, gặp việc khó khăn một chút bắt đầu bỏ, từ chuyện yêu đương, đến chuyện học hành. Rốt cục là em bỏ ngang việc học đại học vì nợ môn không trả nổi.
Một người bạn khác của tôi, cũng thất bại trong đường sự nghiệp chính vì quá được nuông chiều. Cậu là cháu đích tôn, nên được cưng nhất nhà. Tất cả việc nhà đều có mẹ và chị lo.
Khi vừa ra trường, ghét cảnh đi làm thuê, cậu xin ba mẹ lo tiền mở công ty riêng để làm chủ nhưng không lâu sau đó cũng phá sản vì cậu ít kinh nghiệm làm ăn. Rồi khi cậu bắt đầu đi làm, một năm thay đổi công ty những 4 lần, lúc thì vì giao tiếp kém, lúc thì chán việc mà nghỉ, lúc thì không hòa nhập được với công ty…. Giờ cậu vẫn chỉ lông bông, suốt ngày tụ tập bạn bè. Mẹ cậu cũng rầu lòng mà chẳng thể làm gì hơn được.
Thương con cái vốn dĩ là một điều rất đỗi tự nhiên, tuy nhiên yêu thương vẫn cần lắm sự lí trí để tình yêu thương có ý nghĩa và trở thành sức mạnh về sau.
Những gia đình người Do Thái, càng giàu có, họ càng bắt con cái chăm chỉ trong làm việc nhà và đề cao yếu tố AQ, để khi ra đời chúng không bỡ ngỡ và chùn bước trước những sóng gió. Thiết nghĩ những gia đình Việt Nam cũng nên như thế, bởi cha mẹ có thể bao bọc con cái lúc này, nhưng không thể bao bọc con cái suốt đời được./.