Ảnh minh họa
Đa phần các bé Châu Á (gồm cả trẻ Việt Nam) lại thường có biểu hiện biếng ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, thậm chí biếng ăn rất phức tạp từ 8 tháng tuổi, kéo dài đến 4 tuổi.
Trong 1 nghiên cứu về hành vi ăn uống của 404 trẻ em Châu Á, GS.BS. Benjasuwantep (Anh) đã nhấn mạnh 3 điều mà cha mẹ Châu Á thường mắc sai lầm, góp phần vào xây dựng hành vi biếng ăn của trẻ xảy ra sớm, diễn biến phức tạp, bao gồm:
Điều 1: Cha mẹ thiếu tự tin, thiếu chính kiến và hay lo lắng trong cách nuôi dạy bé
Thông thường, các bậc phụ huynh khi nuôi con, chăm con ăn, ngủ thường bị tác động bởi người khác và tự tạo áp lực cho bản thân. Khi cha mẹ càng áp lực, khó chịu bắt ép thì bé càng dễ biếng ăn và thêm bệnh tật.
Hai báo cáo y khoa gần đây rất thú vị trên trẻ em Châu Á và trẻ em Phương Tây (Anh, Mỹ) cùng có chung một kết luận: biếng ăn thường gặp ở trẻ đầu lòng do cha mẹ hay gặp phải áp lực khi nuôi dạy bé (báo cáo của GS.BS.Benjasuwantep năm 2013 và báo cáo của GS.BS. Ramsay năm 2011). Tuy nhiên, Gs. Benjasuwantep nhấn mạnh cha mẹ Châu Á có nhiều áp lực hơn, áp lực về "so sánh", "văn hóa", "cân nặng",...
Hơn nữa, tự cha mẹ có thể học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và chắt lọc những thứ tốt nhất cho con chứ không thể áp đặt, ép buộc con phải theo ý mình.
Điều 2: Trẻ không được tập ăn trên ghế ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm
Bé được bế, đẩy xe đi lòng vòng khắp nơi là cách mà ở Châu Á hay trẻ Việt Nam thường áp dụng để bé chịu ăn ngoan. Khi lớn hơn, bé có thể nhận biết xung quanh, bé có thể đòi hỏi đi chơi nhiều hơn theo thói quen mà người lớn đã vạch ra.
Vừa ăn vừa được dạo chơi sẽ từng bước xây dựng thành một hành vi CHƠI và ĂN song song trong bé. Trẻ nhỏ vốn ham chơi, nên lâu dần hình thành thói quen CHƠI là chính, không muốn ăn. Chính vì vậy, việc tập cho trẻ ăn ngồi trên ghế ăn càng sớm càng tốt và không giới thiệu bất kì đồ chơi, hay cái gì lạ để dụ bé ăn.
Không cho bé ngồi gần tivi hay sử dụng điện thoại khi ăn bởi trẻ sẽ hứng thú với việc xem tivi hơn việc ăn (thời gian đầu khó khăn, nhưng nếu bé làm quen được cách ăn KHÔNG ĐỒ CHƠI, bé sẽ chịu ăn, giảm thời gian ăn). Các nghiên cứu cũng chỉ ra sau 1 tuổi mới tập cho bé ngồi yên một chỗ khi ăn khó khăn hơn việc hình thành thói quen này cho trẻ ngay từ khi bắt đầu ăn dặm.
Điều 3: Kéo dài quá thời lượng bữa ăn (nhiều hơn 30 phút)
Việ kéo dài bữa ăn sẽ làm cho trẻ biếng ăn, thích được chiều ý hơn và sẽ khó thay đổi khi bé lớn hơn, hành vi cũng thay đổi nhiều hơn. Tính cách bé cũng thay đổi, lúc này bé trở nên ương bướng, thậm chí biểu lộ cảm xúc khó chịu khi ăn, những hành vi này phát triển làm cho bé càng biếng ăn hơn.
Thông điệp mà GS.BS. Benjasuwantep gửi đến cha mẹ Châu Á chính là nuôi con đầu lòng (và bắt đầu cho con ăn dặm): Cha mẹ nên được tư vấn và giáo dục cách nhận biết sự phát triển bình thường về thể chất và hành vi ăn uống của trẻ (học cách nhận biết khi nào trẻ biếng ăn thật sự).
Việc thiếu hiểu biết hay nghe từ các thông tin không khoa học tạo tâm lý lo lắng con biếng ăn thái quá ở cha mẹ. Tâm lý này có thể khiến cha mẹ thúc ép con ăn hay sử dụng các loại thuốc giúp bé ăn ngon một cách bừa bãi. Về lâu dài, điều này có thể làm trẻ bình thường trở nên biếng ăn bệnh lý.
Do đó, cha mẹ nên sát sao hơn trong các bữa ăn, nên để con ngồi ghế cùng ăn với các thành viên trong gia đình từ khi con còn nhỏ và cha mẹ cần học hỏi thêm các phương pháp tích cực giúp con hứng thú với việc ăn. Đồng thời nên khuyến khích và cho con thử các món ăn thoải mái chứ không nên quá gò ép con ăn món gì theo ý mình thích, như vậy con sẽ không có đủ chất.