Theo báo TTXVN, ngày 31/1, Bộ Y tế cho biết: Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh. Đến nay, có trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika, chủ yếu là các nước khu vực châu Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của virus Zika với hội chứng não nhỏ do sự gia tăng đột biến của các trường hợp mắc bệnh.
Bộ Y tế khẳng định: Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cho virus Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, nước ta đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes – là loại muỗi truyền virus Zika.
|
Hiện đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika. (Ảnh: TTXVN)
|
Để chủ động phòng chống dịch xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế triển khai tốt các hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế; giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đi về từ những vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly, xử lý kịp thời.
Các bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế chủ động lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có tiền sử về từ vùng dịch gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm virus Zika nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh.
Các địa phương tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng tương tự như phòng chống bệnh sốt xuất huyết để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes – loại muỗi truyền bệnh do virus Zika nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh này có thể lây lan nhanh khi xâm nhập vào nước ta; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika (bao gồm: nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh...) để đáp ứng các hoạt động khi có dịch bệnh xâm nhập.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc truyền thông phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại các khu vực cửa khẩu và cộng đồng; lưu ý những người về từ vùng dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng ít nhất 12 ngày. Phụ nữ mang thai nên hạn chế đến các khu vực có dịch và cần tham vấn cán bộ y tế khi nghi ngờ nhiễm virus Zika...
Tin tức trên báo Ngươi Lao động, theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu và triệu chứng bị nhiễm virus Zika khá mơ hồ và có khi kéo dài cả tuần. Có thể chẩn đoán nhiễm virus bằng xét nghiệm máu. Các triệu chứng khi nhiễm virus Zika gồm: sốt, phát ban, đau khớp; viêm kết mạc (đau mắt đỏ), đau cơ, đau đầu, đau phía sau mắt, nôn… Đáng ngại nhất là virus Zika có thể gây teo não ở trẻ sơ sinh. Đến nay, virus này đã lây lan đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu ở khu vực châu Mỹ. Riêng tại Mỹ đã ghi nhận 31 trường hợp bị nhiễm, tất cả đều từ nước ngoài trở về. Hàng ngàn người đã mắc bệnh ở vùng dịch, nhiều nhất là Brazil.
Ông Trần Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng, cho hay virus Zika hiện có tốc độ lan truyền rất nhanh. Việt Nam cũng không tránh khỏi nguy cơ này nên cần chủ động phòng tránh.
“Tuy vẫn chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus Zika ở nước ta nhưng muỗi Aedes truyền virus Zika có rất nhiều ở Việt Nam. Hơn nữa, virus này đã xuất hiện tại một số nước Đông Nam Á, Việt Nam cũng đang có dịch sốt xuất huyết với số người mắc lên tới vài chục ngàn nên nguy cơ virus Zika xâm nhập là hoàn toàn có thể. Cùng với đó là sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động giữa Việt Nam và các nước trên thế giới cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm” - ông Bắc lo ngại.
Phát hiện 62 ổ dịch cúm gia cầm
Vẫn trên báo Người Lao động, bên cạnh nỗi lo đối với virus Zika, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thời điểm cận Tết, nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát sang người là rất lớn bởi các chủng virus cúm gia cầm gia tăng cả về số lượng ổ dịch và số quốc gia mắc.
|
Bên cạnh nỗi lo đối với virus Zika, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thời điểm cận Tết, nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. (Ảnh: Người Lao động)
|
Theo Cục Y tế dự phòng, đã ghi nhận có 62 ổ dịch cúm gia cầm gây ra bởi 2 chủng virus A/H5N1 và A/H5N6 tại nhiều tỉnh, thành. Các ổ dịch cúm xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình nên nguy cơ lây lan thường trực.
Hiện cả nước vẫn còn 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở 4 huyện của tỉnh Kon Tum, Tuyên Quang và Lạng Sơn chưa qua 21 ngày. Tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ, chủ yếu lưu hành chủng virus cúm A/H5N6, còn chủng virus cúm A/H5N1 thường lưu hành ở khu vực phía Nam.
Do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan rất cao. Theo báo cáo giám sát của các tỉnh, thành trong năm 2015 và tháng đầu năm 2016, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1, H5N6, H7N9 và H5N8 trên người. Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm mùa như: cúm B, H1N1, H3N2.
Theo ông Trần Đình Bắc, dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm 2016 sẽ gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân giữa các quốc gia, khu vực và nhu cầu sử dụng các sản phẩm gia cầm nên tăng nguy cơ xâm nhập các chủng virus cúm vào Việt Nam cũng như lây truyền từ người sang người.
Ông Bắc cho biết ngành y tế đang tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và trong cộng đồng với những trường hợp có hội chứng viêm phổi cấp tính nhằm phát hiện sớm ca bệnh. Các địa phương sẵn sàng đội cơ động phòng chống dịch; tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, Tết để kịp thời triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Đức An - ĐSPL (Tổng hợp)