Phát triển trí não là quá trình dao động không ngừng, con bạn có thể thoái lui trở thành đứa trẻ bình thường hoặc phát huy hết năng khiếu của mình tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận và giáo dục chúng.
Lời khuyên của các nhà giáo dục là hãy quan sát, quan sát và liên tục quan sát. Trẻ sẽ bộc lộ tài năng của mình thông qua những dấu hiệu nhỏ nhặt nhất, thậm chí khi mới một tuổi. Những dấu hiệu nhỏ có thể dễ dàng bị bỏ qua vì cha mẹ nghĩ rằng đứa trẻ nào cũng như thế.
Điều khó khăn là làm sao để phân biệt được dấu hiệu của trẻ thông minh và trẻ tài năng vì là hai khái niệm khác nhau. Trẻ thông minh có thể tư duy tốt hơn bạn đồng trang lứa nhưng trẻ tài năng có kiến thức, năng khiếu vượt xa độ tuổi.
Thông qua nhiều nghiên cứu, phân tích, các nhà giáo dục đã chia năng khiếu thành 6 nhóm chính. Nếu con bạn sở hữu các đặc điểm như trong 6 nhóm dưới đây, chúng có thể là những đứa trẻ tài năng.
1. Thông minh vượt trội
- Trẻ rất nhanh tiếp thu và hiểu các ý tưởng, khái niệm, dễ dàng tìm kiếm mối liên kết giữa những ý tưởng, khái niệm.
- Thích sự chính xác, hoàn hảo do đó thường xuyên sửa lỗi và tranh luận với mọi người xung quanh.
- Có khả năng suy nghĩ trừu tượng, hiểu về các ẩn dụ, biểu tượng ngay từ khi còn nhỏ.
- Đánh giá cao sự phức tạp và có khả năng nhìn nhận nhiều khía cạnh của một vấn đề.
- Học nhanh, thường tiếp nhận kiến thức cao hơn kiến thức phù hợp với độ tuổi.
- Có trí nhớ rất tốt.
- Kiên trì giải quyết các vấn đề khó khăn và có khả năng tập trung cao.
- Có vốn từ vựng đặc biệt phong phú so với lứa tuổi của trẻ.
- Có khả năng quan sát tốt, chú ý đến những tiểu tiết mà người lớn cũng thường bỏ qua.
- Sớm có cái nhìn sâu sắc về các vấn đề đạo đức và xã hội.
- Nhiều năng lượng, khả năng tưởng tượng phong phú, nhiều sở thích.
- Sáng tạo, trả lời nhanh các câu hỏi, giải quyết vấn đề khéo léo.
- Thích đọc sách, đạt điểm cao trong các môn học, kiềm chế cảm xúc tốt.
2. Năng khiếu trong lĩnh vực cụ thể
- Trẻ có khả năng trí tuệ trong nhiều lĩnh vực nhưng nổi bật ở một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể như: toán học, khoa học, âm nhạc, văn học...
- Dành sự chú ý cao cho lĩnh vực quan tâm.
- Học nhanh chóng, dễ dàng, ghi nhớ tốt các vấn đề trong lĩnh vực quan tâm.
- Dành nhiều thời gian làm bài tập về nhà về chủ đề quan tâm hơn các lĩnh vực khác.
- Tìm tòi, học hỏi và khám phá về lĩnh vực yêu thích, ví dụ tìm kiếm những người giỏi trong lĩnh vực đó để học hỏi, thích nói chuyện với những người am hiểu lĩnh vực...
3. Năng khiếu sáng tạo
- Trẻ biết tạo dựng sự liên kết giữa những ý tưởng khác nhau, thậm chí cả ý tưởng không có điểm chung.
- Suy nghĩ và giải quyết vấn đề theo những cách khác thường.
- Đưa ra nhiều giải pháp cho một vấn đề.
- Suy nghĩ về sự mơ hồ, mâu thuẫn.
- Thích đưa ra giả thuyết, tưởng tượng, thực hiện những dự án sáng tạo.
- Có khiếu hài hước.
- Không thích việc ghi nhớ, học thuộc lòng.
4. Năng khiếu lãnh đạo
- Trẻ có thể khiến người khác hành động, làm theo ý mình.
- Có thể tổ chức mọi người thành một nhóm dựa trên tính cách và khả năng của họ.
- Dễ dàng trò chuyện, tương tác với người khác thông qua các kỹ năng xã hội.
- Có thể truyền đạt ý tưởng, mục tiêu và định hướng rõ ràng cho một nhóm.
- Hiểu mọi người, biết cách vận hành nhóm, có trách nhiệm làm việc nhóm rất cao.
- Chỉ đạo mọi người tự nhiên.
- Điều phối và hỗ trợ công việc của người khác.
- Được mọi người tìm đến để đề xuất ý tưởng, tìm kiếm lời khuyên hoặc ý tưởng mới.
5. Năng khiếu vận động
- Trẻ thường có cơ thể cân đối.
- Phối hợp cân bằng, tự tin, khéo léo trong các hoạt động thể chất.
- Luôn tràn ngập năng lượng.
- Có khả năng kết nối thể chất và trí tuệ của mình.
- Có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai trong các hoạt động thể chất.
- Thể hiện năng lực thể chất nổi trội so với các bạn đồng trang lứa.
6. Năng khiếu trong các bộ môn nghệ thuật
Âm nhạc
- Trẻ nhìn nhận, tiếp thu, phản ứng nhanh với các nhịp điệu, giai điệu, hòa âm.
- Có khả năng nhớ âm, nhớ giai điệu.
- Thể hiện sự quan tâm đối với các loại nhạc cụ.
- Thích khiêu vũ hoặc các hoạt động trên nền âm nhạc.
Kịch
- Trẻ dành nhiều sự quan tâm và yêu thích kịch nghệ.
- Sử dụng tông giọng khác nhau để bộc lộ thay đổi tâm trạng.
- Truyền đạt hiệu quả cảm xúc thông qua các biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ và cử động cơ thể.
- Thích tạo nên phản ứng, cảm xúc của mọi người xung quanh.
- Có thể hiểu và bắt chước hành động của người khác, hay thậm chí là cảm xúc và tính cách của động vật.
Hội họa
- Trẻ thích vẽ và vẽ tốt hơn các bạn đồng trang lứa.
- Nhìn nhận nghệ thuật nghiêm túc và tìm hiểu sâu rộng về nó.
- Thể hiện sự độc đáo trong công việc của mình.
- Sử dụng tranh vẽ để bày tỏ cảm xúc, câu chuyện cá nhân.
- Quan tâm đến tranh vẽ của người khác, thường là đánh giá cao hoặc phê bình.
- Thích mô hình ba chiều, thích chơi với đất sét, đồ dùng chạm khắc...
Văn chương
- Trẻ thích viết bài cho tạp chí, báo, viết nhật ký, blog hoặc viết sách.
- Thích đọc mọi thứ và bắt chước văn phong từ tác giả của những tư liệu đã đọc.
- Thích tạo dựng nên câu chuyện riêng, thích những câu chuyện từ sách, TV hoặc các phương tiện truyền thông khác.
- Có trí tưởng tượng sống động và miêu tả chân thực nó thông qua chữ viết.
- Có thể gợi cảm xúc của người khác từ bài viết của trẻ.