Ảnh: removeallstains.com
Nhưng nếu không để trẻ thấy những lỗi sai của mình dần dà sẽ tạo nên tính xấu khó thay đổi. Vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy bé cách tự nhận lỗi và sửa chữa mỗi khi phạm sai lầm.
Do người lớn quá nuông chiều
Chị Lê Hà - làm tại một trung tâm máy tính tâm sự: Cứ mỗi lần con chị do chạy nhanh mà vô tình ngã đập đầu gối xuống đất rồi khóc ré lên thì bà nội đều chạy đến đỡ dậy, đồng thời “đánh chừa” cái sàn nhà làm cháu đau.
Lúc đầu chị thấy khi bà dỗ như vậy thì cu cậu thôi khóc rất nhanh. Nhưng rồi có một tình huống xảy đến khiến chị không khỏi suy nghĩ.
Một lần cùng con ra sân tập thể, con trai chị đang chơi vui vẻ với các bạn vì chạy qua vũng nước dưới sân mà trượt ngã. Chưa kịp định thần chị thấy con mình khóc và hét toáng lên chỉ vào một cậu bạn hàng xóm đứng cách khá xa và nói: “Tại bạn Hùng đẩy con nên con mới ngã”. Cậu bé thấy bạn khóc thì sợ sệt, lúng túng không biết nói sao… Chứng kiến toàn bộ sự việc không chỉ giận con mà chị chợt nhận ra cách giáo dục của bà nội chưa thật ổn.
Một phụ huynh cũng bộc lộ tâm sự này trên diễn đàn lamchame: “Con trai tôi khá ngoan, tuy nhiên cháu cũng có một nhược điểm là hay đổ lỗi cho người khác mỗi khi làm sai. Điều này làm tôi suy nghĩ nhiều lắm. Nếu cứ giữ thói quen tính cách như vậy, tôi lo lắng khi lớn lên bé sẽ không tự chịu trách nhiệm về những gì mình làm…”.
Đây cũng là những tình huống thường gặp ngoài xã hội, xuất phát từ hệ lụy người lớn quá nuông chiều con, cháu. Nhiều lúc để trẻ nín khóc khi vấp ngã, hay tự do mình làm sai điều gì đó mà người lớn lại tìm cách bao biện để trẻ nguôi ngoai. Chính do cách ứng xử như vậy của người lớn đã ít nhiều reo rắc vào tâm trí mỗi đứa trẻ ngây thơ ý nghĩ rằng không phải nó tự gây ngã cho mình mà trước tiên là cái sàn nhà. Thậm chí việc làm hỏng làm sai là do một ai đó làm chứ không phải do bản thân trẻ. Càng kéo dài tình trạng này thì khi lớn lên, trẻ dễ hình thành thói quen luôn đổ lỗi cho người khác hay do ngoại cảnh mà ít khi nhận lỗi thuộc về mình.
Nên dạy trẻ thẳng thắn
Khi trẻ làm sai hay làm hỏng một việc gì đó, cách ứng xử tốt nhất là cha mẹ tránh trừng phạt hoặc giận dữ với con. Tuy nhiên, người lớn cũng nên từ từ phân tích cho con trẻ hiểu nguyên nhân và mức độ của sự việc. Bởi nếu chỉ để dỗ trẻ mà nói không đúng sự việc sẽ khiến trẻ tự huyễn hoặc bản thân, hoặc để tránh bị phạt hay mắng mỏ trẻ tìm cách nói dối hay đổ lỗi cho người khác.
Kiểu nói sai sự thật này là dấu hiệu cho thấy bé đã ở vào giai đoạn phát triển mới: Bé biết nói dối để tránh bị phạt dù lời nói dối đó không hoàn hảo. Khi bé đổ lỗi cho người khác và không chịu nói sự thật, bạn hãy coi đây là cơ hội để trò chuyện với con về tầm quan trọng của lời nói thật.
Khi trẻ làm sai hay làm hỏng một việc gì đó, cha mẹ có thể nói: “Mẹ chắc con không cố tình làm điều này. Hai mẹ con mình cùng lau sạch chỗ này nhé”. Nó thể hiện rằng, bạn biết lỗi này là do bé nhưng cũng thông cảm với lỗi của bé. Điều quan trọng là hướng bé đến việc khắc phục vấn đề một cách tự giác.
Hay với những bé cố tìm cách đổ lỗi cho người khác, bạn nên yêu cầu bé không chỉ giải quyết hậu quả (chẳng hạn, dọn đống bề bộn hoặc lau vết bẩn trên tường) mà bé còn phải xin lỗi người bé đã buộc tội. Bởi vì, anh, chị hay bạn bè của bé sẽ rất buồn vì bị bé đổ lỗi. Và để trẻ biết tự nhận lỗi về mình, người lớn có thể ôn luyện cho trẻ những quy tắc về sự trung thực thông qua trò chơi đúng - sai để trẻ hiểu ra rằng mình cần phải trung thực với mọi việc xảy ra xung quanh mình.
Người lớn cũng cần nhớ rằng, bé sẽ học bằng cách quan sát từ những điều nhỏ nhất từ những người thân. Vì thế, nếu bạn mắc lỗi, bạn cần cho bé thấy tinh thần sửa sai ngay sau đó. Tránh việc đổ lỗi cho người khác, học cách trung thực sẽ giúp trẻ ngày càng hoàn thiện hơn về bản thân.