Tuy nhiên, nếu con học bài với thái độ ép buộc thì có hiệu quả không? Nếu không có cha mẹ nhắc nhở các con có tự giác ngồi vào bàn học? Có phương pháp giáo dục nào hình thành thói quen tự học ở nhà và đồng hành cùng trẻ trong tương lai?
Khó khăn để trẻ chủ động học ở nhà
Chị Nguyễn Ngọc Thảo (quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết con gái chị đã vào học lớp 3 nhưng cháu rất lười học ở nhà. Mỗi ngày chị đều phải đưa ra những phần thưởng như cho đi chơi hay mua đồ chơi cháu mới miễn cưỡng vào bàn học. Chị cũng rất lo lắng nếu tiếp tục tình trạng này con sẽ hình thành thói quen xấu, học hành có điều kiện chứ không phải học để tích lũy kiến thức cho bản thân. Chị Thảo chia sẻ mình đã tìm hiểu một số cách dạy trẻ tự học trên mạng và áp dụng nhưng không thành công.
Không chỉ chị Thảo mà rất nhiều phụ huynh có con học tiểu học cũng gặp phải khó khăn tương tự. Họ đều cho rằng việc hình thành thói quen tự học ở nhà cho con từ lớp 1 là rất quan trọng và thói quen tự học là yếu tố quan trọng để trẻ chủ động tích lũy kiến thức phục vụ cho sự nghiệp trong tương lai.
Trường hợp của chị Hoàng Lan Phương (Ba Đình - Hà Nội) có con học lớp 2 khả quan hơn vì con chủ động vào bàn học khi đến giờ. Tuy nhiên, con không thể tập trung vào việc học và rất dễ bị phân tán tư tưởng, do đó giờ học ở nhà hiệu quả không cao. Không kể con chưa biết cách sắp xếp thời khóa biểu cho các hoạt động diễn ra trong ngày, trong tuần.
Như vậy, theo quan điểm chị Thảo, chị Phương và nhiều phụ huynh khác, ở giai đoạn này, bên cạnh việc học tập kiến thức thì việc rèn luyện hình thành một số kỹ năng như tự làm việc, lên kế hoạch, sắp xếp, thực hiện... là rất quan trọng. Đây chính là những kỹ năng cần thiết để con chủ động học tập, làm việc để tích lũy tri thức cho bản thân tạo bước đà để thành công trong tương lai.
Tự học ở nhà cần một phương pháp phù hợp
Theo cô Phương Hoài Nga, Thạc sĩ Tâm lý học, thành viên Ban giám hiệu Trường PTLC Olympia (Hà Nội): Khi nói về việc trẻ tự học, hầu hết người lớn đều nghĩ đến hình ảnh con ngồi vào bàn và làm bài tập. Trên thực tế, tự học không phải là việc ngồi vào bàn hay ra ngoài chơi, mà là trước bất kỳ vấn đề hay hoạt động nào, trẻ luôn biết mình cần làm gì, tại sao lại làm nó, nếu không làm việc đó con sẽ có hệ quả như thế nào và giúp con nhìn lại những việc đã xảy ra để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Cô Phương Hoài Nga cũng tư vấn các bước tổ chức một giờ tự học ở nhà cho các phụ huynh theo mô hình giờ học tự chủ trên lớp của Trường Olympia theo trình tự như sau:
Nhìn lại ngày đã qua - giúp trẻ tái hiện lại những hoạt động diễn ra trong ngày để biết được mình đã làm tốt việc gì, chưa tốt việc gì, chưa hoàn thành việc gì? Lên kế hoạch buổi tối - sắp xếp thứ tự ưu tiên những công việc cần làm trước và đưa ra thời gian hoàn thành cụ thể. Thực hiện kế hoạch - bắt tay vào công việc ngay khi đã hoàn thành kế hoạch. Rà soát lại danh mục nhưng việc cần làm, sắp xếp đồ dùng học tập, sách vở, và lên kế hoạch cho ngày mai.
Việc chia ra các bước trên giúp con nhìn về quá khứ một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất từ đó đánh giá mọi hoạt động, sự việc, hiện tượng đã xảy ra để thay đổi thái độ theo hướng tích cực. Đồng thời lên được kế hoạch, sắp xếp công việc một cách khoa học, logic và kiểm soát được thời gian hoàn thành kế hoạch.
“Ngay từ lớp 1, học sinh Olympia đã tự tổ chức được những buổi họp sáng đầu tuần cho hơn 400 học sinh từ việc lên ý tưởng, phân công nhiệm vụ, sắp xếp các sự kiện, viết kịch bản, làm MC, các tiết mục văn nghệ... Ngoài ra các bạn đều thể hiện hành vi tự chủ của mình như: Tự làm việc trong các giờ học; không la hét, xô đẩy các bạn khác; luôn biết xếp hàng khi lấy đồ ăn, ngủ trưa... Chúng tôi mang đến cho học sinh những trải nghiệm hội nhập với việc học tiếng Anh và các vấn đề toàn cầu trong khi vẫn gìn giữ các giá trị Việt Nam bằng việc phát triển các kỹ năng cơ bản, thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề đồng thời chú trọng các nguyên tắc đạo đức, nhờ đó học sinh sẽ sẵn sàng thích nghi, ứng biến và vượt mọi thử thách” - cô Hoài Nga chia sẻ.
“Điểm mấu chốt là các hoạt động này cần được lặp đi lặp lại hàng ngày và nhất quán trong suốt một thời gian dài, đồng thời thống nhất giữa gia đình và trường học. Như vậy, trẻ mới có được một thói quen vững chắc, từ đó trở thành một năng lực đi theo suốt cuộc đời” – ThS Hoài Nga nhấn mạnh.