Nếu sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội,
có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồngẢnh: Hoàng Triều
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng. Trong đó, những quy định xử lý đối với hành vi vi phạm về thông tin mạng, sử dụng mạng xã hội (MXH) được quy định rất cụ thể, chi tiết.
Có thể bị phạt đến 50 triệu đồng
Theo đại diện Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), lần đầu tiên có quy định chi tiết về trách nhiệm cá nhân khi sử dụng dịch vụ MXH và mức độ xử lý đã tăng tính răn đe đối với những hành vi vi phạm.
Theo đó, nếu cung cấp thông tin không chính xác khi đăng ký thông tin cá nhân, có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng. Với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ MXH có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Nếu có hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan, trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém giết, tai nạn rùng rợn trong các tin - bài, phim - ảnh; cung cấp thông tin mê tín, dị đoan, không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam..., cho phép phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Trường hợp người đăng tải không gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn đã gỡ bỏ nội dung thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng sẽ bị xử phạt với mức tiền nêu trên.
Ngoài ra, nếu truy nhập MXH của tổ chức, cá nhân khác hoặc có các hành vi như cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự và nhân phẩm của cá nhân, giả mạo trang thông tin điện tử của các cá nhân, tổ chức khác..., có thể bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.
Xem xét tính khả thi
Nêu ý kiến về dự thảo, luật sư (LS) Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) cho rằng hiện nay, MXH như một "nồi lẩu thập cẩm", tốt - xấu lẫn lộn, nhiều người lợi dụng sự tự do về thông tin đã có những hành vi chưa đúng, không phù hợp nếu không muốn nói là vi phạm pháp luật. Không ít người cố tình tung những thông tin thất thiệt, giật gân, phát ngôn gây sốc nhằm tăng lượt theo dõi chỉ với mục đích bán hàng trên Facebook. Với tình hình thực tế như vậy, dự thảo về việc xử phạt những hành vi sai trái trên MXH của Bộ TT-TT thật sự rất cần thiết. Tuy nhiên, phải xem xét đến tính khả thi của việc thực thi công tác xử phạt theo quy định của Bộ TT-TT.
"Trên thực tế, một hành vi được cho là tội phạm đôi khi chúng ta điều tra xong nhưng cũng không thể khởi tố, truy tố được vì không có con người hoặc hành vi chưa rõ ràng. Trên thế giới ảo, một người đăng lên, nhiều người chia sẻ, tốc độ lan truyền trên MXH nhanh đến chóng mặt. Nếu có quy định, có con người và hành vi cụ thể, ai sẽ là người xử phạt? Bộ TT-TT xử phạt thì người dân có chấp hành không? Rồi ai sẽ là người giám sát, chế tài nếu người vi phạm không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt? Tôi nghĩ việc xử phạt là cần thiết, vấn đề còn lại là phải có sự ủng hộ của nhiều cơ quan chức năng, có cơ chế phối hợp liên ngành, tham gia hỗ trợ của địa phương thì mới mong thực hiện có hiệu quả" - LS Nguyễn Thị Thu Thủy nêu
Đồng quan điểm, TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP HCM) cho rằng dự thảo đã có nhiều bổ sung và chi tiết về vấn đề xử phạt liên quan đến việc đăng tải, sử dụng thông tin; quản lý và sử dụng tài khoản trên MXH. Việc quy định chi tiết này là cần thiết để có cơ sở quản lý, xử phạt trong trường hợp vi phạm nhưng tính khả thi trong thực tế là vấn đề cần quan tâm. Bởi MXH hiện nay đa phần đều do các công ty, tổ chức trong nước và nước ngoài điều hành hoạt động; việc kiểm tra các thông tin về tài khoản người sử dụng, hình ảnh đăng tải là rất phức tạp; cơ quan có thẩm quyền rất khó xác minh hành vi vi phạm và có thể xảy ra mâu thuẫn với các chính sách bảo đảm bí mật thông tin mà các MXH đang áp dụng cho khách hàng của mình. Các hành vi vi phạm được nêu tại dự thảo đa phần có đề cập đến việc vi phạm đến thông tin, hình ảnh, uy tín, danh dự của người khác. Để xác định vi phạm phải có đơn yêu cầu làm việc, thông báo về việc hình ảnh bị vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền mới có thể tiến hành xử phạt. Việc cơ quan có thẩm quyền tự ý kiểm tra, phát hiện và xử phạt việc vi phạm các hành vi xâm phạm về quyền nhân thân (hình ảnh, thông tin, bí mật cá nhân, uy tín danh dự…) của cơ quan, tổ chức khác là chưa thật sự phù hợp với các quy định tại Bộ Luật Dân sự.
"Xét theo khía cạnh của pháp luật và quy định cụ thể tại Bộ Luật Dân sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành khởi kiện yêu cầu người đăng tải, sử dụng trái phép thông tin của mình phải tiến hành cải chính, công khai xin lỗi, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc quy định thêm các quy định như được đề cập tại dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo quy định và có biểu hiện của điều chỉnh quá sâu vào các quan hệ dân sự. Tôi cho rằng Bộ TT-TT cần xem xét, điều chỉnh các quy định, mức phạt để phù hợp hơn, đạt được mục đích giúp bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường MXH ngày càng tốt hơn, góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, hạn chế việc xảy ra những hệ lụy đáng tiếc" - ông Trạch nói.
Đà Nẵng sẽ xử lý 2 người đăng tin thất thiệt trên Facebook
Chiều 8-6, đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), cho biết tối 6-6, 2 tài khoản Facebook có tên là Ngọc Nguyễn và Changg Pham đã đăng nội dung có 8 người thực hiện 2 vụ bắt cóc tại khu vực quận Liên Chiểu. Một vụ là cướp đứa trẻ ngay trên xe và vụ còn lại là một người đàn bà bịt mặt tới bồng trẻ em rồi bỏ chạy.
Cơ quan công an đã yêu cầu Phạm Thị Minh Trang (26 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) và Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu) - chủ 2 tài khoản Facebook đăng thông tin trên - đến làm việc. Trong đó, Ngọc khai tự nghĩ ra nội dung và đăng trên Facebook cá nhân nhằm thu hút sự chú ý của mọi người để việc bán hàng trực tuyến thuận lợi hơn. Sau khi thấy bài viết được nhiều người thích và hàng ngàn lượt chia sẻ, Ngọc xóa nội dung này do sợ ảnh hưởng bản thân.
Đại tá Nguyễn Văn Hoa cho biết việc bịa đặt thông tin bắt cóc trẻ em nhằm "câu like" là rất nguy hiểm, gây hoang mang dư luận. Cơ quan công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý.
V.Quyên
Phải truy tìm được người vi phạm
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM, lưu ý hiện có hiện tượng rất phổ biến là nhiều người tạo các tài khoản MXH giả mạo, kích hoạt từ nước ngoài. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng những quy định xử phạt, chế tài, cần có cách thức, phương thức cụ thể để truy tìm những kẻ mạo danh, nói xấu, bôi nhọ người khác; nếu không thì dù có quy định xử phạt cũng không thể xử lý được. Các cơ quan quản lý cần kết hợp với các nhà mạng, các MXH, các quốc gia… thì mới mong có thể truy tìm được thủ phạm mà xử lý.
Bạn đọc Trần Hoàng Minh (quận Gò Vấp, TP HCM) cho rằng hiện chúng ta đã có nhiều luật, quy định xử lý vi phạm trên MXH nhưng chưa có tác dụng nhiều, thậm chí nhiều tình huống luật hoàn toàn "bó tay". "Điều quan trọng nhất là phải truy tìm được những kẻ bôi nhọ, nói xấu, mạo danh người khác để xử lý chứ tôi thấy MHX là "ảo", rất rộng lớn, nguy cơ không thể tìm được "hung thủ" là rất cao mà nhiều vụ việc thời gian qua là minh chứng. Vì vậy, cơ quan quản lý phải có cách thức làm sao để giải quyết vấn đề này mới may ra ngăn chặn được các hiện tượng xấu" - bạn đọc Minh nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia an ninh mạng cũng chia sẻ ngoài xây dựng luật, cách thức, biện pháp kỹ thuật để tìm những người vi phạm trên mạng, cơ quan quản lý nên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sử dụng internet khi tham gia MXH. Bởi nếu ý thức của người dùng MXH không tốt thì dù có biện pháp nào đi chăng nữa cũng khó phòng chống được các hành vi vi phạm trên MXH.
Ch.Trung