Dung dịch sát khuẩn hay nước rửa tay khô có khả năng diệt vi khuẩn, virus, song loại không rõ nguồn gốc có thể nhiều hóa chất làm hại da.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có dạng xịt hoặc gel, thường được đóng vào chai nhỏ có thể tích khoảng 30-70 ml, thuận tiện để mang theo bên người. Bạn chỉ cần cho một lượng đủ để làm sạch cả bàn tay và ngón tay vào tay, thoa đều trong vòng 30 giây đến khi khô hẳn và không cần rửa lại bằng nước.
Thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm ethanol (cồn); deionized water (nước tinh khiết); sodium lactate (chất hút ẩm); fragrance (hương liệu tạo mùi / tinh dầu làm thơm); benzalkonium chloride (chất diệt khuẩn).
Theo bác sĩ, nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có khả năng diệt các loại vi khuẩn, virus, mầm bệnh gây hại đến sức khỏe, khiến chúng không phát triển nữa và bảo vệ bàn tay sạch sẽ trong thời gian dài nhất có thể. Nhiều loại nước rửa tay, sát khuẩn còn có thể chứa thành phần dưỡng chất, vitamin giúp cho bàn tay của bạn luôn được mềm mại.
Tuy nhiên, sử dụng nước rửa tay để sát khuẩn không rõ nguồn gốc không đem lại hiệu quả mà còn gây hại cho da.
Bác sĩ cho biết, nước sát khuẩn diệt được vi khuẩn mà không cần đến nước và thành phần của dung dịch thì phải chứa một lượng lớn hóa chất. Do đó nó có thể làm hại đến người dùng như cồn gây khô da tay hoặc bong tróc, căng cứng.
Nước rửa tay nhanh còn làm tăng khả năng hấp thụ BPA, một chất hóa học rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết dẫn đến ung thư. Nước rửa tay khô không chứa chất độc hại này nhưng nó là chất trung gian để đưa chất độc hại này từ tay dính vào thức ăn và vào cơ thể.
Ngoài ra, trên cơ thể người cũng như trên tay luôn chứa những vi khuẩn có lợi và có hại. Khi bạn rửa tay với dung dịch chứa cồn có thể vô tình giết hết các vi khuẩn trên tay. Cồn có thể phá vỡ lớp bảo vệ virus trên da tay, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể, gây các bệnh về hô hấp, tiêu hóa.
Thông thường, ethanol (cồn) có khả năng sát trùng phải đạt 60-70 độ trở lên, đảm bảo các chỉ tiêu do Bộ Y tế ban hành. Còn gel khô kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến tất cả vi sinh vật nằm dưới nhiều vết bẩn hữu cơ trên tay nên không có tác dụng tẩy sạch toàn bộ bàn tay.
Dung dịch rửa tay khô chứa hàm lượng cồn kháng khuẩn lớn còn khiến làn da mỏng đi và khô rát, bong tróc và nhanh lão hóa. Sử dụng lâu dài sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Một số loại dung dịch rửa tay chứa chất hóa học tạo mùi nhân tạo, có thể gây các phản ứng dị ứng, viêm da, suy hô hấp, rối loạn nội tiết và tác động tiêu cực đến hệ sinh sản.
Đặc biệt, có nhiều loại dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn. Khi sử dụng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh và gây phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng thậm chí gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.
Bác sĩ khuyến cáo dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương pháp vệ sinh tay tốt nhất vẫn là dùng nước và xà phòng trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng nước rửa tay chứa cồn với nồng độ ít nhất 60%.
Không nên lạm dụng nước sát khuẩn mà phải đi kèm với các phương pháp khác như vệ sinh ăn uống, khẩu trang, tránh nơi đông người... Chỉ sử dụng nước rửa tay trong trường hợp không có nước và xà phòng, tuyệt đối không lạm dụng. Hạn chế mua những loại nước rửa tay có mùi hấp dẫn, có thể kích thích trẻ muốn nếm thử. Khi trẻ sử dụng cần có sự giám sát của bố mẹ.
Nên dùng nước sát khuẩn trong các trường hợp tay bẩn không nhìn thấy rõ ràng như trước và sau khi ăn, khi hoạt động ngoài trời, sau khi cầm tiền, sau khi giao tiếp, đi tàu xe hay vào bệnh viện.
Để phòng tránh lây nhiễm dịch, tránh dùng tay chưa rửa chạm vào mắt, mũi và mồm. Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che mũi và miệng khi hắt hơi, ho, sổ mũi và rửa tay ngay. Làm sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt và vật dụng mà bạn hay chạm vào.
Liên hệ với chuyên viên y tế để nhận lời khuyên về những điều cần làm và thông tin cập nhật về tình hình dịch. Nếu bạn bị sốt, ho và khó thở hãy đến cơ sở y tế sớm để điều trị kịp thời.