Nên quan tâm hơn với trẻ
Việc trẻ có những chấn động tâm lý hay không thích nghi với bạn bè và cô giáo khi bước vào ngưỡng cửa trường tiểu học là điều không hiếm gặp. Câu chuyện mà chị Nguyễn Lan Hương ở Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh có con ở độ tuổi này phải suy nghĩ. Cách đây hai năm, cu Bo nhà chị chuẩn bị vào lớp 1 cả gia đình rất háo hức với sự kiện này.
Tuy nhiên những gì diễn ra sau đó lại khiến chị rất lo lắng. Bình thường cu Bo là một đứa trẻ hiếu động, luôn yêu thích khám phá thế giới xung quanh, cháu luôn chia sẻ với mọi người. Nhưng sau 2 tuần đến trường tiểu học chị Lan Hương cảm thấy bất ngờ về sự thay đổi của con. Trước kia mỗi khi đi học về, cháu thường líu lo kể chuyện về trường mầm non, thì bây giờ chỉ khi nào mẹ hỏi mới trả lời với thái độ không chút hào hứng.
Thậm chí cháu còn nói rằng không thích đến lớp vì toàn phải học và làm theo các hiệu lệnh mà cháu không muốn. Cô giáo chủ nhiệm cho biết, con trai chị ở lớp thường xuyên ngồi nghịch trong giờ, không chịu tập viết hay làm theo các yêu cầu của cô. Thậm chí cháu thường xuyên lấy cớ bị hỏng bút hay quên sách vở để không phải thực hiện các công việc mà cô giao.
Chị nhận thấy con mình không bắt kịp theo tiến độ học tập trên lớp, mặc dù mỗi tối chị vẫn ôn bài cùng con. Có ngày đang bận rộn với công việc ở cơ quan chị phải vội vã đến trường khi có điện thoại của cô giáo. Con chị không viết bài lại còn giằng vở của bạn bên cạnh chỉ vì bạn không chơi đồ chơi cùng mình… Và phải hết học kỳ I nhờ sự hỗ trợ của cô giáo, vất vả lắm con trai chị mới thích nghi được với trường tiểu học.
Còn chị Thu Nga công tác tại Công ty Máy tính CMC chia sẻ: Khi thay đổi môi trường học tập chị đã phải hướng dẫn con rất nhiều kỹ năng tự phục vụ bản thân. Từ những việc như rửa tay trước khi ăn, đi vệ sinh ở trường như thế nào cho tới việc tự soạn sách vở, quần áo trước khi đến lớp là những việc mà bất cứ phụ huynh nào cũng phải lưu tâm.
Theo chị Nga nếu trước kia ở lớp mẫu giáo các con luôn được các cô quan tâm hỏi han kịp thời, thì ở trường tiểu học mỗi học sinh đều phải có ý thức tự giác. Chính vì vậy để con gái quen với điều này, chị đã dạy con cách biết tự trình bày các ý kiến cũng như những mong muốn của mình khi giao tiếp với cô giáo nên ngay khi vào lớp 1 con chị đã rất tự tin.
Rèn các kỹ năng thiết yếu
Các chuyên gia của Trung tâm Đào tạo và Phát triển tài năng trẻ em iSmartKids (Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Để trẻ bắt nhịp ngay với môi trường học tập mới, trẻ cần được rèn luyện một số kỹ năng cơ bản.
Trước hết là kỹ năng quan sát. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng để giúp trẻ tự tin trong cuộc sống. Một đứa trẻ có khả năng bao quát tốt thường dễ hòa đồng với mọi người hơn những đứa trẻ khác.
Hơn nữa, việc rèn luyện cho con có kỹ năng quan sát tốt sẽ giúp con dễ dàng bắt nhịp với việc học ở lớp 1 hơn. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh có thể thường xuyên đưa con ra ngoài chơi và nói chuyện cùng con, cùng con quan sát những sự vật xung quanh.
Một tiết học ở trường tiểu học thường kéo dài 45 phút và là sự đan xen của nhiều hoạt động sẽ theo từng phân môn. Ở bậc học mầm non trẻ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi còn ở tiểu học trẻ bắt đầu làm quen với những kiến thức mới mẻ.
Để lĩnh hội được các kiến thức trẻ phải có ý thức hợp tác theo sự hướng dẫn của thầy cô. Vì vậy trước khi vào lớp 1 cha mẹ cần rèn cho trẻ có khả năng tập trung và tính kiên trì. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để trẻ có thể tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả. Bởi thế cha mẹ cần tạo cho trẻ không gian yên tĩnh, tham gia những trò chơi ráp hình, LEGO hay những trò chơi tư duy khác sẽ giúp trẻ thích nghi với điều này.
Theo chuyên gia tư vấn của Trung tâm iSmartKids, cha mẹ cũng nên chuẩn bị cho trẻ tâm lý khi đến trường. Cha mẹ có thể nói chuyện với con về trường học, về những điều con sẽ được học ở trường mới. Cha mẹ cũng có thể cho con đến thăm trường trước ngày con nhập học để làm quen. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cùng con chuẩn bị góc học tập, chọn bàn học, giá sách, trang trí cùng trẻ, chuẩn bị đồ dùng học tập cùng trẻ.