“Hối tiếc khi mình tức giận…”
Bùi Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở II, thẳng thắn bộc bạch: “Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi những lúc giận dữ và chính em cũng thế. Đã rất nhiều lần em bị cuốn vào những cơn giận mà đến tận bây giờ, khi nghĩ lại, em thấy thật không đáng. Và cũng đã rất nhiều lần em phải hối tiếc khi mình tức giận như vậy”.
Trước giờ chưa hề nổi giận hay cãi nhau với ai, ngoại trừ với… em gái mình, đó là trường hợp khá đặc biệt của Trương Thị Ánh Lâm, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP.HCM. Nữ sinh này cho hay tuy không gặp mặt em gái thường xuyên nhưng mỗi lần gặp là đều cãi nhau. Ánh Lâm nhìn nhận: “Nhiều khi nghĩ lại thấy mình giận, cãi với nó rất vô lý. Đôi lúc chỉ vì nhìn mặt không ưa, thái độ bướng bỉnh hay vì nó làm việc gì đó không vừa ý. Dẫu biết vậy là trẻ con nhưng sao em chưa bỏ được. Với ai, em cũng thông cảm được nhưng với nó thì chưa từng, lúc nào cũng như kiểu vạch lá tìm sâu vậy”.
Theo Ánh Lâm, lý do dẫn đến tình trạng dễ cáu giận, nóng tính, cãi nhau ở những người trẻ là do không làm chủ được cảm xúc, luôn quá đề cao cái tôi của mình, luôn cho mình là đúng và không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Cô gái này đúc kết: Khi giận, bản thân mỗi người thường bị mất kiểm soát, tính tình nóng nảy, không suy nghĩ được nhiều mà chỉ chăm chăm vào mỗi lý do gây ra cơn giận. Hậu quả là làm ảnh hưởng đến sức khỏe và mối quan hệ, không làm việc, không nói chuyện với nhau được và ảnh hưởng đến những người xung quanh nữa.
Nhận diện nguồn cơn
Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM, cho rằng phản ứng tức giận thường xảy ra khi những mong đợi hay nhu cầu của bản thân không được đáp ứng. Trong đó, phổ biến nhất là do những “niềm tin phi lý” gây nên. Ông Uy dẫn chứng: Khi sếp giao thêm việc ngoài dự định, nhân viên nghĩ “đấy không phải việc của tôi, sếp chỉ biết lợi dụng nhân viên”. Từ niềm tin này sẽ dẫn tới hậu quả là nhân viên đó cảm thấy tức giận, căng thẳng và tránh né người quản lý. Đối với phụ huynh, ông Uy lấy ví dụ khi đứa con không lau dọn phòng sạch sẽ, không ít người đã vội quy kết là: “Thằng này không bao giờ chịu nghe lời mình”, rồi bực bội, la lối…
Theo ông Uy, để có thể kiểm soát được cảm xúc, một trong những yếu tố quan trọng là cần nhận diện được nguồn gốc cơn giận của bản thân và hiểu rõ tại sao mình lại bị dính vào đó. “Cần tập luyện để sống hòa bình (bất bạo động) với bản thân, gia đình, người xung quanh và thế giới động vật, thực vật. Tìm kiếm, nuôi dưỡng những thú vui và đam mê khỏe mạnh của bản thân: theo đuổi môn thể dục nào đó, chẳng hạn như yoga, để giúp điều chỉnh hơi thở và tịnh tâm, chơi tem, trồng cây, nuôi thú cưng... Tập luyện, phát triển khả năng cảm xúc và xã hội, bao gồm khả năng hiểu được các cảm xúc bản thân cũng như người khác và quản lý được chúng. Khi thấy mình vẫn giận dữ dù đã làm nhiều cách để ngăn chặn, nên tìm đến chuyên gia tham vấn tâm lý”, ông Uy gợi ý.
Với câu hỏi: “Khi giận bạn sẽ làm gì?”, Trương Thị Ánh Lâm nói: “Em là người thẳng tính nên nếu giận, em sẽ cho người đó biết mình đang giận và lý do là gì. Em sẽ không để trong lòng vì như vậy sẽ rất khó chịu, chưa kể cơn giận sẽ tích góp theo thời gian và làm mình có ác cảm với người khác”. Ngược lại, Bùi Minh Anh chọn cách xử lý khác: “Những lúc tức giận em thường im lặng. Im lặng để có thể bình tĩnh lại, để lắng nghe những người xung quanh góp ý gì cho mình và để cơn giận tự tiêu tan”.
Ông Dương Xuân Giao, Giám đốc điều hành Công ty phát triển nguồn nhân lực NetViet, cho biết ở những nước như Canada và Mỹ, người ta thường tổ chức các khóa học kiểm soát cơn giận cho những đối tượng dễ nổi giận và vi phạm pháp luật. “Nếu vi phạm lần đầu, người đó sẽ bị tòa án buộc tham gia khóa học và chịu án treo. Còn nếu tái phạm sẽ bị phạt tù. Tất nhiên, cũng tùy mức độ vi phạm mà tòa áp dụng những hình phạt khác nhau, chứ không phải trường hợp nào cũng vậy”, ông Giao thông tin.
Đứng ở góc độ là chủ doanh nghiệp, ông Giao nhận xét: “Tôi thấy có những người quản lý tuyên bố mình rất nóng tính, như là một cách thông báo trước cho nhân viên hãy cẩn thận với họ. Thậm chí, một số người còn cảm thấy hãnh diện khi la mắng nhân viên, nhằm chứng tỏ uy quyền của mình. Thực ra, khi người lao động phải làm việc trong sự ức chế, khiếp sợ hoặc phải dè chừng như vậy thì họ sẽ bị triệt tiêu động lực làm việc, năng suất chỉ bằng 0 hoặc rất thấp”.