Kỳ vọng quá khiến trẻ mệt mỏi
Nhiều phụ huynh luôn muốn con mình là người đứng đầu, là trung tâm của mọi sự chú ý. Dù ở trong gia đình, hàng xóm hay ở trường học, họ luôn muốn con của mình phải nổi trội hơn tất cả.
Chính vì thế mà nhiều cha mẹ thường yêu cầu con mình phải cố gắng giỏi ở mọi phương diện. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng đáp ứng được sự mong chờ đó.
Trong khu tập thể Thành Công (Hà Nội), chiều nào cũng vậy sau giờ tan tầm chị Lan lại tất tả về đón con rồi đưa con đến các lớp học năng khiếu và tiếng Anh.
Với mong muốn bé giỏi toàn diện nên chị cho con tham gia hết cả các lớp múa, vẽ, đàn, thể dục nhịp điệu… Nhưng điều đáng nói ở đây là con chị chẳng thích những môn học năng khiếu đó ngoài bơi lội. Nhiều hôm mọi người trong khu chứng kiến cảnh con bé thì mếu máo vì phải học nhiều quá, còn chị ra sức giải thích, dọa nạt mà ái ngại…
Dường như càng lớn trẻ lại càng bị đặt vào những mong muốn cao hơn của cha mẹ. Một HS lớp 12 tại Hà Nội đã tâm sự: “Từ nhỏ, bố mẹ đã luôn mong muốn em phải đạt thật nhiều thành tích.
Chính vì vậy mà ngoài việc học ở trường bố mẹ đã đăng ký cho em tới học ở nhiều lớp học thêm khác nhau. Thay vì được vui đùa, nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần, thì lịch học của em kín mít. Đổi lại mỗi lần em đạt được thành tích nào đó bố mẹ em rất vui và hãnh diện về em trước mọi người.
Tuy nhiên, mỗi khi em không được như kỳ vọng mà bố mẹ đặt ra, thì không khí trong nhà thật buồn tẻ và nặng nề. Mỗi lần như vậy em lại cảm thấy mình có lỗi.
Thế nên suốt những quãng thời gian học phổ thông em luôn cảm thấy phải gồng mình lên. Cũng may kỳ thi vào lớp 10 em vừa đủ điểm vào lớp chọn của trường THPT thuộc tốp đầu.
Nhưng giờ đây em cũng đang tiếp tục học đêm học ngày để thực hiện ước muốn của bố mẹ đó là phải đỗ vào một trường đại học tốp đầu để có những cơ hội tốt nhất. Thực sự em rất mệt mỏi”.
Hãy để con được làm điều mình muốn
Sự kỳ vọng của cha mẹ lên con cái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Có thể do cha mẹ quá lo lắng cho tương lai của con trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó cũng bởi cha mẹ muốn con cái hoàn thành những ước mơ còn dang dở mà trước đây mình không có điều kiện thực hiện. Thậm chí có cha mẹ ảo tưởng về khả năng của con cái…
Nhưng tất cả những sự kỳ vọng thái quá này đều gây áp lực không tốt cho trẻ, thậm chí nhiều gia đình mất đi cả sự chia sẻ, trao đổi cần thiết.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm Kỹ năng sống Wedo-wegood cho biết: Các bậc cha mẹ đừng cứ bắt con chín ép hoặc khiến con phải gồng mình trong sự mệt mỏi vì chạy miết mải theo các quan điểm và sự kỳ vọng của cha mẹ.
Hãy lắng xuống và hiểu rằng để con thông minh thì hãy cho con được trải nghiệm sâu sắc và làm tốt nhất những gì thuộc về con trong cuộc sống thường ngày.
Hãy lắng xuống và hiểu rằng để con trở thành thiên tài thì hãy cho con được sống với ý thức trách nhiệm cao nhất của chính con trong cuộc sống.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Con cái cần có đủ lòng tin và được cha mẹ để cho tự do đưa ra các quyết định riêng, nhất là khi cha mẹ không hiện diện. Những quyết định này cần được tôn trọng, thậm chí nếu có sai lầm, cha mẹ sẽ giúp con nhận ra và đó là cơ hội để con học hỏi thêm.