Cơ chế hình thành và phát triển của tình mẫu tử và tình phụ tử khác nhau vì có sự khác nhau ở cơ chế sản xuất chất oxytocin ở người mẹ và người cha.
Oxytocin là chất truyền dẫn thần kinh do tuyến yên tiết ra, có chức năng kích thích duy trì và gắn kết các quan hệ thân mật. Oxytocin là một loại hoóc môn của con người được tiết ra và chi phối não bộ trong quá trình liên quan đến tình dục và tình cảm, nó được sản sinh khi con người đạt cực khoái, khi cảm thấy lãng mạn, khi cho con bú sữa mẹ và khi sinh đẻ.
Chất oxytocin cũng được tạo ra khi con người trong giao tiếp có những cử chỉ âu yếm, thậm chí là cử chỉ đơn giản như cái khoác tay, vỗ vai...
Chất oxytocin được gọi là “hoóc môn tình yêu”, nó điều phối tất cả các hành vi xã hội.
Xét riêng với phụ nữ, theo các nhà khoa học, trước khi các bà bầu có thể cảm thấy sự yêu thương âu yếm đối với đứa con mình thì họ phải trải qua một cuộc thay đổi do chất oxytocin khởi động.
Khi người mẹ cho con bú, não bộ sẽ giải phóng chất oxytocin. Điều này tạo ra một sự gắn kết giữa người mẹ và đứa con. (Ảnh minh họa)
Trong cuốn sách “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” (NXB Thế giới), tác giả Stefan Klein - một trong những nhà báo khoa học có ảnh hưởng nhất ở châu Âu cho biết: Ngay khi tín hiệu đối với các hoóc môn của thời kỳ mang thai và chất oxytocin xuất hiện, các chương trình của tình mẫu tử bắt đầu chạy trong đầu người mẹ, và một số phần thuộc não trung gian của phụ nữ thay đổi vĩnh viễn.
Quá trình nuôi con cũng là lúc tình cảm mẹ con được vun đắp. Khi người mẹ cho con bú, não bộ sẽ giải phóng chất oxytocin. Điều này tạo ra một sự gắn kết giữa người mẹ và đứa con.
Theo nhà báo khoa học Stefan Klein, cho dù sự nuôi dưỡng có tác động thế nào thì việc tái cấu trúc của não bộ sẽ gắn kết hầu hết những người mẹ với con họ suốt cả cuộc đời.
Như vậy, tình mẫu tử được phát triển một cách tự nhiên ngay từ khi người mẹ mang thai. Trong khi đó, tình phụ tử dường như cần sự chủ động hơn từ phía người cha. Người cha tích cực tạo gắn kết với con thì mới phát triển được tình cảm cha con thắm thiết.
Người cha cần chủ động tạo gắn kết với con. (Ảnh minh họa)
Vậy làm thế nào để người cha vun đắp tình cảm với con mình?
Khi chúng ta yêu quý ai thì chúng ta thích ở bên người đó, và điều ngược lại cũng đúng, nếu chúng ta ở nhiều bên một người nào đó, thì chúng ta cũng sẽ trở nên yêu quý người đó.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rằng: “Nếu bạn yêu ai đó nhưng hiếm khi dành thời gian cho họ thì đó không phải tình yêu thật sự.”
Trong cuốn sách “Đời ngắn đừng ngủ dài (NXB Trẻ), tác giả, diễn giả về nghệ thuật lãnh đạo Robin Sharma đặt ra câu hỏi:
“Có bao giờ bạn nhận ra rằng người mình yêu thương nhất lại là người mình thường bỏ lơ?
Bạn dễ dàng dành rất ít thời gian với gia đình vì họ luôn ở ngay bên bạn (hoặc bạn tưởng là thế).
Nhưng còn gì quan trọng hơn gia đình chứ?”.
Việc người cha dành thời gian bên đứa con khi con còn nhỏ thì tình cảm cha con sẽ được vun đắp, và khi trẻ lớn lên, tình cảm ấy sẽ ngày càng bền chặt. Những kỷ niệm khi cha con bên nhau sẽ trở thành những dấu ấn gắn kết hai cha con.
Còn nếu “lơ là” với con khi con còn nhỏ, thì người cha phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể từng bước xây đắp tình cảm cha con khi con đã lớn.
Người cha dành thời gian bên con khi con còn nhỏ thì tình cảm cha con sẽ được vun đắp… (Ảnh minh họa)
Là ông bố tận tụy của các con, Robin Sharma khẳng định: “Con bạn chỉ bé bỏng có một thời. Và khi cánh cửa cơ hội đó khép lại, chúng sẽ vĩnh viễn đóng chặt.”
Việc người cha dành thời gian với con mình là một điều đặc biệt ý nghĩa với con trẻ, nó quan trọng hơn nhiều so với những quà tặng mà người cha mua cho con.
Theo tác giả Robin Sharma, đồ chơi, trò chơi điện tử hay bất cứ quà tặng nào đi nữa cũng không thể sánh bằng thời gian bạn dành cho các con. Đó là tất cả những gì con muốn, là tất cả những gì chúng thực sự cần.
Việc dành thời gian cho con tức là người cha phải từ bỏ một việc khác mà họ cần làm, và nhiều khi họ phải lên kế hoạch thì mới có thể dành thời gian bên con, nhưng thiết nghĩ sự “hy sinh” đó rất đáng để người cha “đầu tư” và cam kết.
Với hơn 30 năm làm cố vấn hôn nhân và gia đình, chuyên gia tâm lý người Mỹ, Tiến sỹ Gary Chapman khẳng định, yếu tố quan trọng nhất trong thời gian chia sẻ là bạn và con phải làm điều gì đó cùng nhau. Thời gian chia sẻ có ý nghĩa nhất khi chỉ có bạn và con bên nhau.
Yếu tố quan trọng nhất trong thời gian chia sẻ là bạn và con phải làm điều gì đó cùng nhau. (Ảnh minh họa)
Theo Tiến sỹ Gary Chapman, thời gian chia sẻ là một món quà quý giá cha mẹ có thể dành cho con. Nó truyền đạt đến với trẻ thông điệp: “Con rất quan trọng đối với cha/mẹ. Cha/Mẹ rất vui vì được ở bên con”. Khi ấy, con bạn sẽ cảm nhận được vai trò quan trọng cũng như tình yêu thương của bạn.