Chim sẻ ngô cho con ăn
Cú bật nắp của chim sẻ ngô
Khoảng năm 1920, người Anh ở Luân Đôn có thói quen mua sữa bằng cách dặn người bán, từ mờ sáng, đặt bình sữa trên bục cửa trước nhà. Khi ngủ dậy, chủ nhà sẽ ra lấy và không có ai bị mất sữa bao giờ.
Nhưng có một thời gian, họ thấy các chai sữa đều bị bật nắp. Sau nhiều lần theo dõi, họ phát hiện thủ phạm là những con chim sẻ ngô màu xanh. Chúng biết cách làm bật nút chai bằng vài cú gõ bằng mỏ. Nắp chai bật ra, chúng “thưởng thức” lớp váng sữa trên bề mặt một cách ngon lành. Ai cũng nghĩ, chỉ có chim vùng này mới biết cách bật nút chai, không ngờ “kỹ thuật bật nút chai” của chim dần dần lan ra khắp các vùng ở miền Nam nước Anh.
Đến năm 1947, kỹ thuật làm bật nút chai của chim sẻ ngô lan ra khắp nước. Hai nhà nghiên cứu James Fisher và Robert Hinde rất quan tâm đến sự việc này và họ lập ra một bản đồ “sự lan truyền của kỹ thuật làm bật nút chai”. Thời đó vấn đề này cũng không gợi ý được cho các nhà nghiên cứu về trí thông minh của loài vật. Không thể tưởng tượng được loài vật- hơn nữa là chim sẻ - lại có hai khả năng (thông thường được cho là chỉ có ở văn hóa của loài người) cải tiến kỹ thuật và truyền bá kỹ thuật cho đồng loại.
Một sự kiện chủ yếu khác trong việc phát hiện “những nền văn hóa của động vật”. Sự kiện này xảy ra ở Nhật. Tháng 9/1953, trên đảo Koshima (Nam nước Nhật), các nhà nghiên cứu quan sát thấy một con khỉ vùng châu Á, tên là Imo, biết nhúng củ khoai vào nước biển, rửa sạch cát bám vào củ khoai trước khi ăn. Ba tháng sau, kỹ thuật rửa khoai trước khi ăn được phổ biến cho bà con dòng họ của khỉ Imo.Năm năm sau, kỹ thuật rửa khoai trước khi ăn được tất cả khỉ trong vùng thực hiện.
Có hay không cái gọi là “nền văn hóa của động vật”?
Phát hiện trước đó của các nhà nghiên cứu linh trưởng Nhật vẫn không được biết đến ở phương Tây. Phải đợi đến những quan sát của Jane Goodall về loài linh trưởng thì người ta mới nghi ngờ rằng loài linh trưởng có khả năng làm được những điều loài người làm được. Từ quan sát này người ta liên tưởng đến những trường hợp khác chứng tỏ động vật khác cũng có những “ý tưởng” nhằm bảo vệ và phát triển giống nòi. Thật vậy, chim có khả năng làm tổ rất khéo, chúng nhặt từng sợi cỏ khô, sợi rơm, sợi lá mía v.v..., đan thành tổ bám chắc trên cành cây để đẻ trứng.
Mỗi ngăn trong tổ ong có những công năng khác nhau: ngăn cho ong chúa, ngăn cho các ong còn bé được “vú nuôi” chăm sóc, ngăn các ong thợ quạt mát cho tổ…; kiến cũng thế, chúng đào những hành lang để di chuyển trong trật tự, có phòng dự trữ lương thực, phòng cho kiến chúa v.v... Những “công trình” công phu, khéo léo đó của chim, ong, kiến v.v… có thể gọi là “biểu hiện văn hóa của động vật” được không? Hoàn toàn không, vì chúng đã làm các công trình đó theo bản năng, hàng triệu năm về trước và hàng triệu năm về sau chúng cũng làm như vậy, không có một chút thay đổi hay cải tiến.nào.
Muốn khẳng định sự tồn tại của nền văn hóa động vật phải tập hợp được những bằng chứng phong phú hơn về lượng, đặc sắc hơn về chất, để chứng tỏ được sự tiến bộ trong kiến thức do sự chuyển giao kỹ thuật từ đời này sang đời khác.
Năm 1999, một bài báo trong tạp chí Nature (Thiên nhiên) có bàn về “văn hóa động vật” - bài báo này do chính chuyên gia nổi tiếng về giống linh trưởng, trong đó có J. Goodall chấp bút. Các nhà nghiên cứu đã so sánh nhiều nhóm linh trưởng sống ở Đông Phi (Tanzania, Ouganda, Kenya và phía Tây Côte d’Ivoire, Guinée, Libéria).
Gần 40 loại tính cách “văn hóa” được ghi nhận: đập vỡ vỏ cứng của trái cây, lấy que làm “cần câu” để câu mối và kiến, thu tủy của ống xương, lấy lá độn lên làm gối, biểu hiện cử chỉ “chào” nhau, chơi trò ném lao, biết cách phủi sâu bọ bám vào thân. Nhiều hành vi khác của chúng cũng được ghi nhận: chúng còn biết lấy đá làm đe, để quả vỏ cứng lên, dùng búa đá đập vỡ vỏ. Hành vi này được ghi nhận ở các linh trưởng Tây Phi, trong khi linh trưởng ở Libéria và Côte d’ivoire thì dùng đá và rễ cây.
Đầu năm 2000, khái niệm “văn hóa linh trưởng” hình như được chấp nhận ở một bộ phận nhà sinh vật và khái niệm đó được mở rộng cho các loài khác như cá voi, cá heo, chim, chuột và ngay cả cá nữa.
Từ đó cụm từ “văn hóa động vật” được dùng để chỉ những truyền thống địa phương trong các kỹ thuật săn bắt, những thổ ngữ đặc biệt trong tiếng hót của chim hay tiếng kêu của cá voi, những cải tiến trong cách tìm thức ăn.
Kỹ thuật săn bắt
Cá heo lưng đen là giống ăn thịt hung dữ, háu ăn, tấn công tất cả sinh vật khác như cá hồi, hải cẩu, sư tử biển, chim biển, và cũng không chừa cá voi! Kỹ thuật săn bắt của chúng thay đổi theo vùng, kỹ thuật đó chính là đối tượng để tập dượt và cải tiến. Cá heo loại này ở miền Nam Achentina, chúng tấn công sư tử biển và hải cẩu một cách bất thình lình. Trước đó cá heo đen tập hợp nằm dài trên bờ biển, có vẻ như đang nghỉ ngơi. Kỹ thuật này của cá heo đen rất nguy hiểm cho chính chúng vì khi vô ý lên bờ và quá xa mặt nước, khi có biến chạy xuống nước không kịp. Hình như mẹ chúng đã “căn dặn” chúng như vậy, nên chúng tuy nhỏ đã rất cảnh giác. Có lên bờ một chút cũng vội vã xuống nước ngay.
Trong trường hợp chim sẻ ngô màu xanh mở nắp chai sữa, các nhà nghiên cứu cho rằng hành động đó cũng không có gì đáng gọi là “sáng tạo”, vì ngày thường chúng cũng đã mổ vỏ cây để bắt sâu bọ ở trong hốc cây. Cách xử lý đó xuất phát từ bản năng nhiều hơn. Thật vậy, khi loài chim này bị nhốt trong lồng có để một tấm thảm, nó dùng mỏ mổ, xé nát tấm thảm.
Muốn khẳng định sự tồn tại của một nền văn hóa phải đảm bảo chắc chắn rằng cách xử lý nào đó không phải xuất phát từ bản năng, mà bằng một sự chuyển giao từ cá nhân này đến cá nhân khác. Kinh nghiệm đã được thực hiện trên chuột đen hoang dã, là loài biết bóc vỏ những quả táo một cách thành thạo.
|
Khỉ đang quan sát đồ vật
|
Có sự chuyển giao kiến thức trong thế giới động vật không?
Cái nhìn mà chúng ta đã có về sự chuyển giao kiến thức quá lệch về “phương Tây”, với hình ảnh nhà trường có thầy giảng bài, có học sinh ngồi chăm chú nghe, nghĩa là chuyển giao kiến thức từ trên xuống dưới, theo chiều dọc. Nhưng trong thế giới động vật điều chủ yếu của sự chuyển giao kiến thức (thực chất là bắt chước cách làm) không theo chiều dọc mà theo chiều ngang, nghĩa là theo phương thức “quan sát, bắt chước, đua nhau v.v…”. Sự chuyển giao kiến thức của chúng là một hành động vô thức.
Frédiric Joulian là một nhà nhân loại học, chịu trách nhiệm về Chương trình nghiên cứu liên-ngành “sự tiến hóa, thiên nhiên và văn hóa” của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội, ông đã tiến hành những nghiên cứu về “sự biết cách làm” của loài linh trưởng trong môi trường tự nhiên.
Một số con vượn thấy một con vượn nào đó tác động vào thiên nhiên (lấy đá ghè vỏ cứng của quả cây, bứt lá làm ổ lót v.v...), chúng bắt chước một cách vụng về. Sau nhiều lần thực hiện động tác đó, “cách làm” trở thành thói quen vô thức… Ở đây hoàn toàn không có một ý thức “cố tình chuyển giao kiến thức cho đồng loại”. Hơn nữa hành động “chuyển giao kiến thức” chỉ được thấy ở một số loài linh trưởng có trí não tương đối phát triển.
Cần nói rằng loài người sơ khai từ “vượn người” tiến hóa thành người cũng chuyển giao kiến thức giống như vượn mà thôi…
Sự “học” được thực hiện như thế nào?
Ngay trong xã hội mà phương thức sản xuất là hái-lượm, săn bắt, thì sự chuyển giao kiến thức cũng được thực hiện bằng phương pháp trực quan: nhìn, nghe, bắt chước. Hoàn toàn không có một lời chỉ dẫn nào. Lúc đầu người thực hiện (bắt chước) còn lúng túng, rồi tự mình rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Số người biết làm cũng theo cách đó mà được nhân lên.
Khái niệm “văn hóa của động vật” hoàn toàn vô nghĩa, chỉ có con người mới có nền văn hóa, thể hiện ở sự “chuyển giao kiến thức” từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác qua giáo dục gia đình, nhà trường, hội đoàn, sách vở, tài liệu, hình ảnh…
Tóm lại chỉ có con người mới có nền văn hóa theo đúng nghĩa của nó. Sự khác nhau giữa một người gọi là “có văn hóa” với một người gọi là “không có văn hóa” thể hiện ở cách cư xử với thiên nhiên, với đồng loại, với chính bản thân mình.