Trong
những năm tháng đầu đời, trẻ em phải phụ thuộc vào cha mẹ, từ miếng ăn,
giấc ngủ, đến chuyện mặc quần áo, đi giày, tắm rửa, vệ sinh.
Và khi trẻ lớn dần lên, dù đã đủ khả năng và khéo
léo để làm hết những việc tự phục vụ cá nhân nhưng trẻ vẫn thích nhõng
nhẽo đòi cha mẹ phải làm cho mình.
Và vì yêu con, thương con, nên cha mẹ làm cho con
tất cả. Rồi bỗng một ngày, trẻ buông tay cha mẹ ra, tự làm hết mọi việc,
độc lập trong từng suy nghĩ và hành động. Quá trình tách rời này là một
việc không thể thiếu trong hành trình lớn lên của trẻ.
Nuôi dạy con trở thành một người độc lập, tự chủ có
lẽ là ước muốn chung của tất cả các cha mẹ. Bởi người tự lập là người
biết chăm sóc bản thân, sống nỗ lực hết mình, có trách nhiệm và kỷ luật,
luôn hoàn thành các công việc được giao, biết hợp tác, biết bày tỏ lòng
biết ơn đối với sự giúp đỡ của người khác.
Và như để sẻ chia cùng nỗi lo của cha mẹ, tiến sĩ
Jim Taylor, một nhà tâm lý học, một giảng viên dạy tại Đại học San
Francisco, Mỹ đã chia sẻ 5 bước để cha mẹ có thể nuôi dạy con mình thành
người độc lập và tự chủ một cách rất đơn giản.
Bước 1: Tạo cơ hội cho trẻ được làm việc
Cha mẹ lập ra một danh sách những việc mà trẻ có
khả năng làm được tùy thuộc vào độ tuổi: dọn dẹp đồ chơi, tự làm vệ sinh
cá nhân, mặc quần áo, phụ cha mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo…
Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ phải hoàn thành công việc
được giao để trẻ cảm thấy là mình đã lớn. Cha mẹ cũng có thể đưa ra một
số công việc có mức độ khó khăn cao để thử thách trẻ.
Cha mẹ hãy lập ra danh sách các công việc có mức độ
từ dễ đến khó mà trẻ có thể làm để rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản
thân và biết giúp đỡ người khác của trẻ.
Bước 2: Cho trẻ đủ thời gian để hoàn thành công việc
Khi trẻ không thể kiểm soát hết mọi thứ mà mình
đang thực hiện, trẻ sẽ sáng tạo theo cách riêng của mình. Việc cha mẹ
nên làm lúc này là bình tĩnh quan sát xem trẻ làm những gì, thực hiện
công việc ra sao mà không hề hối thúc hay dùng thời gian để gây áp lực
với trẻ.
Bước 3: Quên đi sự hoàn hảo
Hãy chấp nhận rằng trẻ sẽ không thể làm tốt mọi
việc giống như sự mong đợi của cha mẹ. Chắc chắn sẽ có sự cố gì đó xảy
ra nhưng thay vì trách mắng con, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ giải quyết hậu
quả trong khả năng trẻ có thể và hãy nói cho trẻ hiểu là ai cũng có sai
lầm, quan trọng là phải biết sửa sai.
Đừng vì suy nghĩ "làm thì ít mà bày bừa thì nhiều" mà cha mẹ tước đi quyền được thực hành, được trải nghiệm của trẻ.
Bước 4: Xem xét hoàn cảnh
Nếu trẻ đang mệt mỏi, đau ốm, căng thẳng thì đây
không phải là thời điểm để cha mẹ giới thiệu với trẻ những công việc
mới. Cha mẹ cũng không nên nản lòng nếu trẻ thường xuyên tìm cách thoái
thác, trốn tránh làm những công việc được giao.
Bởi đó là tâm lý bình thường của trẻ. Cha mẹ có thể
tạm thời chia sẻ và làm việc cùng trẻ để chúng nhanh chóng lấy lại tinh
thần. Tuyệt đối không được phê bình hay la mắng trẻ là lười biếng.
Bước 5: Không bao giờ quên khen ngợi trẻ
Cha mẹ hãy khen ngợi những cố gắng nỗ lực của trẻ, chứ đừng chỉ nhìn vào điểm yếu mà chê bai.
Ví dụ như khi trẻ mang giày trong một khoảng thời
gian rất ngắn, nhưng cha mẹ lại phát hiện ra là vì vội quá nên trẻ đã
mang giày trái.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên khen trẻ đã biết
mang giày một cách nhanh chóng, còn chuyện đi giày trái thì nên để trẻ
tự cảm nhận, bởi chẳng có ai cảm thấy thoải mái khi mang ngược giày bao
giờ. Và đến khi trẻ phát hiện ra điều bất tiện này thì hãy động viên trẻ
rằng lần sau con sẽ biết cách đi đúng giày.