Từ dòng trạng thái trên Facebook của một phụ nữ ở Australia về mẹo đơn giản giúp điều hòa đỡ tốn điện, mấy ngày nay, nhiều người dùng mạng đã chia sẻ lại cách này và một số khẳng định họ áp dụng thấy hiệu quả.
Trên trang Facebook của mình, chị Sue Evison viết: Chỉ cần dùng điều khiển để chuyển chế độ từ làm mát "Cool" sang chế độ làm khô hay hút ẩm "Dry" sẽ không chỉ giúp không khí trong phòng mát mẻ mà còn tiết kiệm điện hơn.
Bản thân chị đã áp dụng cách này một thời gian và thực sự thấy hiệu quả. Căn phòng bật điều hòa ở chế độ Dry trong nhà chị luôn mát, trong khi công suất tiêu thụ điện giảm xuống tới 10 lần.
Một người áp dụng theo cách này cũng bày tỏ: "Tôi đã làm theo vào đêm qua, với căn phòng lớn nhất trong nhà. Nhiệt độ duy trì ở 25 độ C và cả đêm gia đình ngủ rất ngon vì cảm giác dễ chịu".
Theo tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phương pháp sử dụng chế độ Dry ở điều hòa thực sự tiết kiệm điện hơn dùng chế độ Cool, còn khả năng làm mát thì không mấy tác dụng nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao.
Ông Thịnh giải thích: Khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiệu thụ cần khá nhiều.
Ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.
Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36 độ C) và độ ẩm cao, việc sử dụng chế độ Dry sẽ rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác dễ chịu trong phòng, và tiết kiệm điện. "Ở cùng 30 độ C nhưng nếu độ ẩm không khí là 60% thì sẽ dễ chịu hơn nhiều so với mức độ ẩm 90%. Chế độ Dry sẽ giúp hút ẩm, giảm độ ẩm xuống, khiến người ta cảm giác đỡ bức bối hơn, dù nhiệt độ vẫn để ở mức cao", tiến sĩ Thịnh giải thích.
Theo tiến sĩ Thịnh, những ngày nắng nóng mà độ ẩm thấp thì việc sử dụng chế độ Dry không có ý nghĩa gì mấy bởi nó không có chức năng làm giảm nhiệt độ, khiến không khí trong phòng vẫn nóng, khó chịu và khi đó, lựa chọn duy nhất để làm mát là chuyển sang chế độ Cool.