NASA và Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đang hợp tác xây dựng kế hoạch bảo vệ con người trong tình huống bất ngờ phát hiện một tiểu hành tinh lớn sắp va chạm với Trái Đất.
NASA đang theo dõi chặt chẽ số lượng tiểu hành tinh nằm gần Trái Đất với sự hỗ trợ của mạng lưới cơ sở nghiên cứu cả trên mặt đất và không gian. Các nhà khoa học ước tính có gần 10.000 thiên thể như vậy. Ít nhất 10% trong số đó có đường kính hơn 1.000 m và có thể hủy diệt Trái Đất.
"Việc tổ chức diễn tập về tình huống thảm họa dù ít khả năng xảy ra nhưng có tác động lớn là điều rất quan trọng", Craig Fugate, giám đốc FEMA, nói.
Cuộc diễn tập dựa trên tình huống giả định về một tiểu hành tinh với kích thước khoảng 90-250 m và có gần 2% khả năng va chạm với Trái Đất vào ngày 20/9/2020.
Quỹ đạo của tiểu hành tinh sau đó thay đổi dẫn đến xác xuất va chạm tăng lên 65% và cuối cùng là 100% vào tháng 5/2017. Một vài tháng sau, nhóm nghiên cứu xác định khu vực va chạm nằm ở Nam California.
"Khi đó vấn đề không còn là khả năng va chạm mà là thời gian va chạm", Thomas Zurbuchen, phó quản lý Ban Sứ mệnh Khoa học của NASA, nhận xét.
Ông cho biết nhóm nghiên cứu hiện nay có đủ nguồn lực và khả năng để đối phó với cú va chạm như vậy bằng cách quan sát, dự đoán, lập kế hoạch ứng phó và giảm nhẹ tình hình trên cơ sở phù hợp.
NASA sẽ cung cấp chuyên gia cho FEMA thông qua Cơ quan Phối hợp Bảo vệ Hành tinh. Các nhóm sau đó tiếp tục tổ chức diễn tập về tình huống va chạm cùng với người đại diện bổ sung từ các cơ quan tiểu bang và địa phương.