Lá chắn từ trường có thể giúp khí quyển sao Hỏa dày lên. Ảnh: Phys.org.
|
Các nhà khoa học NASA đề xuất triển khai lá chắn từ trường xung quanh sao Hỏa để bảo vệ khí quyển hành tinh trước gió mặt trời, giúp sao Hỏa có khí quyển giống Trái Đất hơn. Kế hoạch được tiến sĩ Jim Green, giám đốc Ban khoa học hành tinh (PSD) của NASA trình bày tại một hội thảo tổ chức từ 27/2 đến 1/3 ở Washingtin DC, theo International Business Times.
Theo tiến sĩ Green, việc đưa từ trường nhân tạo vào quỹ đạo ổn định giữa sao Hỏa và Mặt Trời tên MarsL1 sẽ giúp tạo ra một từ quyển nhân tạo bảo vệ khí quyển của hành tinh đỏ trước ảnh hưởng của gió mặt trời và phóng xạ.
"Khí quyển được tăng cường cả về nhiệt độ và áp suất của sao Hỏa là đủ để lưu giữ lượng nước lỏng lớn trên bề mặt, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho khoa học và các cuộc thám hiểm của con người từ năm 2040. Tương tự Trái Đất, khí quyển dày lên sẽ cho phép thiết bị có trọng lượng lớn hơn đổ bộ xuống bề mặt hành tinh, chống lại phần lớn bức xạ từ vũ trụ và Mặt Trời, kéo dài khả năng sử dụng oxy và cung cấp hiệu ứng nhà kính để trồng cây", Green nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sao Hỏa từng có lá chắn từ trường bảo vệ khí quyển. Tuy nhiên, tấm lá chắn này đã biến mất cách đây khoảng 4,2 tỷ năm, khiến khí quyển hành tinh bị xói mòn chậm và dần mất đi. Trong 500 triệu năm tiếp theo, hành tinh biến đổi từ môi trường ẩm ướt thành nơi lạnh giá khô cằn không phù hợp cho sự sống.
Các tàu vũ trụ quay quanh sao Hỏa như Maven của NASA và Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xác nhận giả thuyết này, đồng thời chỉ ra gió mặt trời chính là thủ phạm làm xói mòn khí quyển sao Hỏa.
Khí quyển hiện nay của sao Hỏa đặt ra thách thức lớn đối với sứ mệnh có người lái mà NASA dự kiến phóng vào thập niên 2030. Các phi hành gia sẽ phải đối mặt rủi ro tiếp xúc với phóng xạ, nguy cơ ngạt khí và nhiều khó khăn khác.
Trong nỗ lực giảm thiểu những nguy cơ trên, tiến sĩ Green và một nhóm nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng tham vọng tạo từ quyển nhân tạo cho sao Hỏa giúp khí quyển hành tinh dày lên theo thời gian.
Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp mở ra những khả năng mới, bao gồm thúc đẩy hiệu ứng nhà kính, sưởi ấm khí quyển hành tinh tới điểm làm tan mũ băng vùng cực. Kết quả cuối cùng là khoảng 1/7 đại dương từng bao phủ sao Hỏa cách đây hàng tỷ năm có thể được khôi phục.