Phật giáo là một tôn giáo vô thần.
Có thể những đối tượng trong khuôn khổ đề cập của bài viết chỉ là những trường hợp số ít, không mang tính điển hình nhưng chắc chắn nó vẫn khiến chúng ta phải vắt óc suy nghĩ về một dòng chảy văn hóa trong một bối cảnh mà có vẻ các hệ giá trị văn hóa đang có chiều hướng đảo lộn đến kinh ngạc.
Từ chuyện của người trẻ
Đó là chuyện hàng trăm em học sinh, trong đó có rất nhiều em còn mặc nguyên bộ quần áo đồng phục ùa ra tung hô, ca ngợi, xin chữ ký của một nhân vật mà mạng xã hội gọi là Khá "bảnh". Khi được gặp gỡ, đối diện với Khá "bảnh", những em học sinh này xúc động hệt như khi đang đối diện với một thần tượng lớn của đời mình. Mà có lẽ, cũng không quá lời nếu bảo Khá “bảnh" đúng là thần tượng của các em.
Rất nhiều bạn đọc trung tuổi sẽ tò mò: vậy rốt cuộc Khá "bảnh" là ai vậy? Tên thật của Khá "bảnh" là Ngô Bá Khá, nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ kiểu tóc "bờm ngựa", nhờ những điệu nhảy khác người và những phát ngôn gây sốc.
Việc trang cá nhân của Khá "bảnh" hiện nay có tới 600.000 lượt theo dõi cho thấy nhân vậy này "nóng hổi" và hấp dẫn một bộ phận giới trẻ tới đâu. Việc Khá "bảnh" được chào đón như một ngôi sao - một thần tượng cho thấy nhân vật đó có sức ảnh hưởng tới một bộ phận giới trẻ hiện nay tới đâu. Câu hỏi đặt ra, thần tượng một nhân vật như Khá "bảnh" sẽ tạo ra những tác động tiêu cực gì?
Xét về mặt tâm lý, khi chúng ta thần tượng một ai đó thì thường có xu thế làm theo những điều người đó đã làm, đi theo con đường người đó đã đi. Cho nên, khi một bộ phận giới trẻ thần tượng một nhân vật chuyên có phát ngôn gây sốc, thường xuyên vào trang cá nhân của nhân vật này để nghe những lời "gây sốc" thì cũng không bất ngờ nếu một ngày nào đó chính các em cũng là tác giả của những lời "gây sốc".
Đầu tháng 3 năm 2019, Khá "bảnh" đã cùng một nhóm thanh niên dừng xe, dàn hàng ngang trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để chụp ảnh rồi ngang nhiên đăng lên Facebook cá nhân. Điều gì sẽ xảy ra nếu những bạn trẻ mới lớn, còn chưa hoàn thiện nhân cách cá nhân cũng bắt chước những hành động vi phạm pháp luật như thế này?
Trên báo điện tử Dân trí, chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Việt Anh nhận định rằng các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi những yếu tố truyền thông, đồn thổi, mang tính xu hướng.
Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng cho biết những yếu tố mang tính xu hướng, những hiện tượng mang tính nhất thời như Khá "bảnh" hay Hoa Vinh, Lệ Rơi, Bà Tưng, "công chúa Thủy Tề"... là những hiện tượng sớm nở tối tàn. Nhưng nguy hiểm là trước khi tàn thì nó cũng kịp gieo rắc vào đầu óc những bạn trẻ mới lớn những tác động xấu về văn hóa.
Cho nên vấn đề ở đây là cả nhà trường, gia đình lẫn giới truyền thông phải giúp các bạn trẻ nhận thức được đâu là hiện tượng xấu, đâu là hiện tượng tốt, đâu là xu thế ảo, đâu là bản chất thật, đâu là những thần tượng sáp, đâu là những thần tượng có giá trị lâu bền.
Nhìn nhận như vậy chúng ta sẽ phải tiếp tục hỏi thêm một câu nữa, đó là nhà trường, gia đình và giới truyền thông đã thực sự làm tốt công việc này hay chưa?
Thế hệ nào cũng cần những thần tượng của riêng thế hệ mình. Bản chất việc thần tượng không hề xấu nhưng nếu không có kĩ năng nhận thức, đánh giá và chọn lựa thần tượng một cách đúng đắn thì một cuộc khủng hoảng về tinh thần sẽ xảy ra và từ đó hàng loạt giá trị văn hóa bị đảo lộn.
Thành thử, sẽ không quá lời nếu bảo từ hiện tượng Khá "bảnh" chúng ta cần phải nhìn lại chính chúng ta trong việc giáo dục những đứa trẻ trong nhà mình, trong trường mình và trong cái xã hội mà mình ít nhiều cũng có trách nhiệm kiến tạo nên.
Đến chuyện của người trưởng thành
Đó là câu chuyện hàng trăm, hàng ngàn con người đã dễ dàng tin vào cái gọi là "bắt vong - giải nghiệp" ở chùa Ba Vàng, từ đó dễ dàng mất cả trăm, cả triệu cho một hoạt động đi ngược lại hoàn toàn nhân sinh quan Phật giáo.
Thật khó tin là ở thế kỷ 21, trong một thời đại mà ai cũng dễ dàng gọi tên là "thời đại 4.0", với hàng loạt các kênh kiểm tra, tìm hiểu thông tin mà vẫn có một số lượng không nhỏ người dân lại đến chùa Ba Vàng để tin vào những chuyện "bắt vong - giải nghiệp" rất mơ hồ như thế.
Ở trên đời có vong không? Thật ra một số tín ngưỡng bản địa tin là có! Nhưng đấy là những tín ngưỡng bản địa, đã và đang tạo ra rất nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu tôn giáo, chứ tuyệt nhiên không có trong lý luận Phật giáo.
Chỉ cần một cú click chuột, mất vài phút kiểm tra thông tin trên internet là có thể dễ dàng biết rằng không có một ngôi chùa chân chính nào được phép thực hiện những hành vi như gọi hồn - bắt vong.
Ở trên đời có nghiệp không? Về điều này, thực chất giáo lý nhà Phật tin là có. Tạo nghiệp ác, gieo nhân ác sẽ gặp quả ác; tạo nghiệp lành, gieo nhân lành sẽ gặp quả lành, đấy là một lý luận Phật giáo cơ bản mà có thể là bất cứ phật tử nào cũng biết.
Nhưng cần phải biết thêm rằng tất cả những phạm trù này đều không phải là sáng kiến riêng của đức Phật. Nó đã có trong truyền thống của Ấn Độ giáo, từ trước khi đức Phật ra đời. Đức Phật chỉ là người sử dụng lại những giáo lý này, nhưng không sử dụng một cách nguyên xi, máy móc, mà cải tiến nó, sáng tạo nó theo chiều hướng nhân văn, chủ động.
Cụ thể, Ấn Độ giáo cho rằng "quả" kiếp này hoàn toàn phụ thuộc vào "nhân" kiếp trước, con người tuyệt đối không thể tác động và thay đổi. Phật giáo một mặt thừa nhận "quả" kiếp này đúng là có ảnh hưởng bởi "nhân" kiếp trước nhưng mặt khác lại khẳng định nếu kiếp này con người khởi "duyên" lành thì tự mình hoàn toàn có thể cải nghiệp cho mình. Như thế, tư tưởng "định mệnh luận" của Ấn Độ giáo tới Phật giáo đã chuyển sang "quyết định luận".
Cũng như thế, nếu Ấn Độ giáo tin rằng thế giới có thần sáng tạo - thần vun trồng - thần hủy diệt, và cuộc sống con người bị chi phối bởi 3 vị thần này thì Phật giáo lại tước bỏ tất cả quyền năng và vũ khí của các vị thần.
Phật giáo nguyên thủy là một tôn giáo vô thần, khẳng định vào việc chỉ có tự mình rèn luyện bát chánh đạo (8 phương pháp tu tập) thì mới có thể giải thoát mình khỏi những phiền đau, khổ não. Đấy là bản chất đúng nghĩa của đạo Phật.
Ấy thế mà một ngôi chùa tiếng là thờ Phật - nghĩa là đi theo một tôn giáo vô thần lại sẵn sàng thực hiện hàng loạt những biểu hiện "hữu thần" khó chấp nhận. Và hàng trăm, hàng ngàn con người cũng sẵn sàng bỏ tiền vào cái chốn "vô thần" để thực hiện những hành động "hữu thần" một cách u u mê mê.
Chúng ta cứ nói là mình theo Phật, nhưng thực sự chúng ta đã bỏ công nghiên cứu những điều sơ đẳng nhất của Phật giáo hay chưa? Và có lẽ không riêng gì câu chuyện Phật giáo, trong việc tiếp nhận hàng loạt những tư tưởng, lý thuyết văn hóa ngoài biên giới của mình, chúng ta đã thực sự tiếp nhận những tư tưởng, lý thuyết ấy theo đúng bản chất của nó hay chưa?
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc có lý khi cho rằng chúng ta thường chỉ tiếp nhận cái mình muốn - cái mình tưởng là đúng, chứ không tiếp nhận cái bản chất, cái đúng là của nó. Hậu quả là việc hiểu nó, ứng dụng nó thường xuyên méo mó.
Đi tìm lối thoát
Một bộ phận giới trẻ tung hô, ca ngợi, thần tượng một nhân vật nổi tiếng nhờ những phát ngôn gây sốc như Khá "bảnh", đấy là sự thật. Một bộ phận người trưởng thành dễ dàng tin theo và mất không ít tiền bạc để tham gia những hoạt động phi giáo lý trong một ngôi chùa, đấy cũng là sự thật.
Chúng tôi thận trọng dùng cụm từ "một bộ phận" vì vẫn cố nghĩ rằng đấy không phải là những câu chuyện mang tính điển hình. Nhưng như đã nói ngay ở đầu bài viết, dẫu không mang tính điển hình thì nó cũng đánh lên một hồi chuông cảnh báo về một dòng chảy văn hoá lệch lạc, liên quan đến cả những người trẻ mới lớn lẫn những người trưởng thành, giàu kinh nghiệm.
Nếu không thể nắn lại những dòng chảy văn hoá lệch lạc như thế này thì chắc chắn xã hội sẽ còn xuất hiện những biểu hiện tương tự trong tương lai.
Hôm nay chúng ta có thể là những con người thiếu thốn nghèo khổ về vật chất thì trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể trở thành những người khỏe mạnh và giàu có. Nhưng hôm nay mà bị cuốn vào một dòng chảy văn hóa lệch lạc thì tương lai thật khó hy vọng được chảy trong một dòng chảy văn hóa trong lành.
Sự lệch lạc về văn hóa đáng sợ hơn nhiều so với sự nghèo đói về vật chất!