Một người đàn ông tên là Peter từng tâm sự với nhà nội tiết học J. Levine - Đại học Quốc gia Arizona, Mỹ: “Tôi cảm thấy bế tắc”. Peter 44 tuổi, thừa tới 22,7kg và bị tiểu đường type 2. Bác sỹ của Peter khuyên ông tiêm insulin.
Người đàn ông này đã được nhận vào phòng thí nghiệm của Levine tại Bệnh viện tư Mayo và được khuyên tập thể dục bằng cách đi bộ hằng ngày. Kết quả, Peter đã giảm được khoảng 15kg sau 2 năm mà không cần ăn kiêng. Ông không bao giờ phải dùng insulin để đối phó với bệnh tiểu đường của mình. Đi chơi trên xe đạp, đi dạo cùng gia đình, tham quan các phòng triển lãm nghệ thuật… là các hoạt động thường xuyên của Peter hiện nay.
Giảm béo bằng “những bước chân lang thang”
“Chuyển thời gian ngồi thành thời gian đi bộ để sử dụng nhiều calo hơn” là ý tưởng giảm cân của Peter và ông gọi đó là “sự sinh nhiệt không do tập thể dục”, tiêu hao năng lượng bằng những khoảng thời gian ngắn đi thơ thẩn, lang thang trong ngày.
Để làm rõ tác dụng của loại vận động này, các nhà khoa học đã dùng bộ đồ lót Spandex so sánh lượng vận động của những người gầy và người béo ở Mỹ sống trong cùng môi trường và có chế độ ăn uống, công việc giống nhau. Họ phát hiện những người béo ngồi nhiều hơn người gầy 2,25 giờ/ngày, lượng calo bị đốt cháy nhờ việc “đi lang thang” ít hơn 350 calo/ngày so với người gầy.
Cũng nhằm chứng minh các vận động đơn giản kể trên có hiệu quả rõ rệt với sức khỏe nếu được thực hiện đều đặn, Levine và cộng sự đã tiến hành đo thời gian ngồi và chuyển động của dân làng sống xung quanh một nông trường chuối ở Jamaica và các cư dân thành thị Mỹ.
Trong 10 ngày, những người này mặc bộ quần áo lót Spandex có các cảm biến ghi nhận sự di động của cơ thể theo 13 hướng, mỗi hướng nửa giây. Bộ đồ lót kỳ diệu này giúp thu thập một lượng đáng kể dữ liệu về vận động của người mặc.
Kết quả cho thấy, những người sinh sống ở các vùng nông thôn tại Jamaica đi bộ nhiều gấp đôi người dân ở Kingston và các thành thị khác ở Mỹ. Trung bình họ chỉ ngồi khoảng 3 giờ/ngày, trong khi các cán bộ hành chính ở thành thị có thể ngồi 15 giờ/ngày. Nhờ đó, họ đốt cháy nhiều hơn 2.000 calo/ngày so với người làm việc bàn giấy.
Để người thành thị không trở thành tù nhân của môi trường và tự biến mình thành nạn nhân của những chiếc ghế, máy tính và trò chơi truyền hình, nhiều giải pháp kỹ thuật đã được đưa ra để giải phóng con người khỏi chiếc ghế ngồi. Chẳng hạn, chiếc điện thoại di động cho phép một cuộc đàm thoại ngồi trở thành một cuộc nói chuyện trong khi đi bộ.
Nhân danh một số công ty, Levine đã thiết kế lại nơi làm việc, giải phóng nhân viên khỏi sự cô lập bởi những chiếc ghế. Một công ty ở St. Paul, Minnesota, Mỹ đã khuyến khích các buổi míttinh đi bộ. Một hãng ở Iowa đã ngăn cản nhân viên gửi thư điện tử cho đồng nghiệp gần gũi bằng cách tạo ra các “vùng hoạt động phi email”.
Theo các chuyên gia, có thể sắp xếp lại thành phố theo hướng tạo điều kiện cho sự vận động. Một số nghiên cứu thực hiện ở Anh và San Francisco, Mỹ đã chứng minh hiệu quả của việc quy hoạch lại các khu phố để ngăn cản việc du lịch bằng xe. Thời gian di chuyển chỉ tăng ít phút nhưng lượng vận động tăng đáng kể. Về tổng thể, giải pháp này giúp giảm chi phí chữa bệnh và nâng cao chất lượng không khí.