Dạy con chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Dù cho đây có là bé thứ hai, hay thứ ba của bạn thì chắc chắn rằng bạn sẽ có lúc không biết phải xử trí thế nào khi con mắc lỗi. Những lúc như thế, không kiềm chế được cơn nóng giận, bố mẹ sẽ quát tháo, đánh đòn hay hăm dọa con và như vậy chẳng giúp trẻ nhận ra mình đã sai ở điểm nào, khiến trẻ không chịu tiếp thu và thậm chí sẽ lặp lại lỗi lầm vào sau này.
Thay vì phạt con nặng khi mắc lỗi sai, bố mẹ hãy rèn trẻ vào kỉ luật, khuôn khổ, những gì nên và không nên, như ông bà xưa từng nói: "Lạt mềm buộc chặt". Bố mẹ cần lưu ý rằng kỉ luật khác với trừng phạt. Nếu bố mẹ trừng phạt thay vì kỉ luật, bạn sẽ không đạt được kết quả như mình mong đợi.
Thay vào đó, rèn con vào khuôn khổ kỉ luật sẽ giúp con có trách nhiệm hơn, trung thực, tốt bụng, biết sẻ chia. Bằng cách nghe theo những lời hướng dẫn, dạy dỗ và nguyên tắc của bố mẹ, con sẽ trở thành người có thái độ cư xử tốt và biết tôn trọng những người xung quanh.
Vậy nên rèn kỉ luật cho con như thế nào?
Trẻ từ 0-2 tuổi
Trẻ con rất tò mò, đặc biệt là ở độ tuổi này. Những đồ vật như các thiết bị điện tử, trang sức lấp lánh luôn là thứ luôn thu hút chúng. Vậy làm thế nào để con trẻ không tự ý đụng đến những đồ vật đó? Cách tốt nhất là để xa khỏi tấm với của trẻ.
Khi trẻ bò hay chập chững đến nhưng vị trí nguy hiểm hay không được phép, bố mẹ hãy bình tĩnh và cứng rắn noi: "Không", đồng thời đưa con ra khỏi nơi này, hoặc đánh lạc hướng con bằng những hoạt động khác.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể áp dụng hình phạt "cách ly" đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên. Một khi con có hành vi như đánh, cắn, ném thức ăn, bố mẹ nên giải thích vì sao những hành vi đó không được chấp nhận và cho con vào một nơi riêng biệt (nhưng phải an toàn) trong khoảng thời gian vài phút, để con tự bình tĩnh, chấm dứt hành vi không hay. Bố mẹ chỉ nên áp dụng thời gian ngắn, khoảng 2 phút cho trẻ ở độ tuổi này, bởi nếu dài hơn, cách này sẽ không còn tác dụng.
Bố mẹ cũng có thể áp dụng hình phạt "cách ly" đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên. (Ảnh: Internet)
Một điều quan trọng hơn, đó là trẻ học bằng cách quan sát người lớn, đặc biệt là bố mẹ. Hãy hiểu rằng hành vi của bạn đóng vai trò là hình mẫu cho con noi theo. Vì thế nếu muốn con tự dọn dẹp đồ chơi, hãy đảm bảo rằng bạn tự dọn dẹp mọi thứ do mình bày ra, chứ đừng chỉ ra lệnh con phải tự dọn đồ chơi trong khi vật dụng của bạn còn nằm bừa bãi khắp nhà.
Trẻ từ 3 đến 5 tuổi
Khi con đã lớn hơn và bắt đầu hiểu được mối liên hệ giữa hành động và hậu quả, hãy bắt đầu truyền đạt đến con những quy định, luật lệ của gia đình.
Luôn nhớ rằng, cần phải giải thích rõ ràng bạn mong đợi, yêu cầu con những gì trước khi áp dụng hình phạt với con. Ví dụ, lần đầu tiên con vẽ lên tường phòng khách, bố mẹ đừng vội quát tháo ầm ĩ, mà nên thảo luận với con vì sao hành động này không được chấp nhận, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu con lặp lại lỗi sai một lần nữa (như phải lau tường cho sạch, không được dùng bút chì màu trong ngày hôm đó...). Nếu con vẫn tiếp tục "trang trí" tường nhà, bố mẹ chỉ cần nhắc lại rằng bút màu chỉ dùng để vẽ lên giấy và tiến hành thực hiện các hình phạt như đã đề ra trước đó.
Một chìa khóa quan trọng trong việc thực hiện kỉ luật với con, đó là sự nhất quán. Rất dễ để đôi khi bố mẹ bỏ qua những hành vi xấu của con hay không thực hiện hình phạt như đã đề ra, nhưng đây sẽ đặt ra một tiền lệ xấu. Vì thế, nhất quán là chìa khóa kỉ luật hiệu quả và việc bố mẹ cùng đưa ra quy định, hình phạt rồi thực hiện là điều cực kì quan trọng.
Cũng cần phải lưu ý rằng, có phạt thì phải có thưởng. Đừng đánh giá thấp mặt tích cực của những lời khen dành cho con. Ví dụ, câu nói: "Mẹ rất tự hào khi con đã chia sẻ đồ chơi với bạn" sẽ hiệu quả hơn rất nhiều lần việc bạn đánh vào mông con khi con khư khư giữ đồ chơi cho mình.
Câu nói: "Mẹ rất tự hào khi con đã chia sẻ đồ chơi với bạn" sẽ hiệu quả hơn rất nhiều lần việc bạn đánh vào mông con khi con khư khư giữ đồ chơi cho mình. (Ảnh: Internet)
Nhưng dù cho bạn đã bình tĩnh và áp dụng bao nhiêu cách, con vẫn tiếp tục làm những hành vi không hay thì sao? Hãy thử làm một bản thưởng phạt cho 7 ngày trong tuần nhé. Bạn có thể cùng con thảo luận xem bao nhiêu lỗi sai sẽ bị phạt và bao nhiêu việc tốt sẽ được thưởng. Dán tờ thưởng phạt ấy ở nơi dễ thấy và đánh giá hàng ngày. Điều này sẽ giúp cho bạn và con cùng có cái nhìn cụ thể về hành vi của chúng.
Ngoài ra, hình phạt "cách ly" cũng có thể áp dụng với trẻ ở lứa tuổi này. Chọn thời gian thích hợp với từng trẻ và lưu ý rằng, nơi cho trẻ một mình phải an toàn và không có bất kì thiết bị điện tử hay đồ chơi nào. Nếu có, hình phạt chẳng còn tác dụng nữa. Về thời gian phạt, các chuyên gia cho rằng cứ 1 phút là cho 1 tuổi, ví dụ: trẻ 2 tuổi phạt 2 phút, 3 tuổi phạt 3 phút... nhưng vẫn có ý kiến khuyên rằng thời gian phạt có thể kéo dài đến khi trẻ bình tĩnh (tức để trẻ tự điều chỉnh hành vi).
Dĩ nhiên, điều quan trọng hơn hết vẫn là nói với trẻ điều đúng đắn, nên làm, chứ không đơn thuần là chỉ ra lỗi sai ở trẻ mà thôi. Ví dụ, thay vì nói: "Không được nhảy trên ghế", bố mẹ hãy nói: "Con nên ngồi yên trên ghế và đặt chân trên sàn".
Trẻ từ 6 đến 8 tuổi
Bị phạt và những hậu quả con phải chịu do lỗi lầm của mình cũng là một cách tốt trong chiến lược thiết lập kỉ luật cho trẻ ở độ tuổi này.
Một lần nữa, nhất quán vẫn luôn là điều quan trọng. Phải giữ đúng như yêu cầu, luật bạn đã đặt ra với trẻ và thực hiện nếu trẻ vi phạm. Trẻ phải tin rằng bạn đề ra nghĩa là bạn sẽ làm. Dĩ nhiên rằng, bạn vẫn có thể cho trẻ một hay hai cơ hội tùy theo mức độ của lỗi lầm nhưng quan trọng nhất vẫn là thực hiện như đã nói.
Hãy cẩn thận với những hình phạt đặt ra trong lúc nóng giận bởi nó có thể làm mất đi sự tôn trọng của con bạn đối với bạn.
Trẻ từ 9 đến 12 tuổi
Trẻ em ở lứa tuổi này cũng tương tự như những lứa tuổi khác, cũng có thể áp dụng các cách thức rèn luyện kỉ luật như trên. Nhưng ở tuổi này, con đã dần trưởng thành và đòi hỏi sự độc lập, trách nhiệm cao hơn. Vì thế, bạn có thể cho con tự chọn hình phạt cho lỗi lầm rồi áp dụng. Đây cũng là một trong những phương pháp hiệu quả và phù hợp.
Ví dụ, nếu cậu con trai lớp 5 của bạn không hoàn thành bài tập về nhà trước giờ đi ngủ, bạn sẽ để con thức khuya làm hay giúp con hoàn thành? Câu trả lời là không bởi đây là cơ hội để dạy con bài học quan trọng: nếu bài về nhà không hoàn thành, con vẫn phải đi ngủ đúng giờ và ngày hôm sau đi học mà không có bài, rồi chịu điểm xấu.
Đó là cách tự nhiên để bố mẹ kéo con thoát khỏi những sai lầm. Hãy để con tự nhận thức được hành vi đúng và sai, hậu quả mình phải chịu. Tuy nhiên, nếu con vẫn chưa thể nhận ra, hãy khéo léo giúp con bằng cách tạo cơ hội để con thay đổi, bố mẹ nhé.