Vì đâu nhiều học sinh “chết oan”?
Ngày 19/4, sau 3 ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm, giáo viên cùng học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có buổi chào cờ đầu tuần và dành 1 phút mặc niệm 9 nam sinh lớp 6B chết đuối ở bến sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) chiều 15/4. Phút tưởng niệm diễn ra trong nước mắt và tiếc nuối của giáo viên và học sinh toàn trường.
Trước đó, chiều ngày 15/4, người dân xung quanh khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà nghe tiếng la thất thanh nên chạy đến ứng cứu, tuy nhiên đã quá muộn, cả 9 học sinh lớp 6B của Trường THCS Nghĩa Hà đã vĩnh viễn ra đi trong niềm đau đớn tột cùng của người thân và nhà trường. Theo nhận định ban đầu, trong lúc đến trường tổ chức buổi tổng duyệt đội nhưng vì chưa tới giờ nên nhóm học sinh này đã rủ nhau đi chơi và xuống sông tắm dẫn đến tai nạn thương tâm.
Chưa hết, ngay sau thảm nạn 9 học sinh chết đuối nói trên, ngày 16/4 ở TP. Quảng Ngãi đã tiếp tục xảy ra thêm vụ chết đuối làm 2 trẻ em chết thảm. Cụ thể, tối 16/4, tại thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, TPQuảng Ngãi, người dân phát hiện thi thể hai cháu bé là Võ Tùng Lâm (4 tuổi) và Võ Thị Linh Nhi (2 tuổi) là con của anh Võ Thanh Tùng và chị Trần Thị Nga chết dưới hầm vệ sinh gần nhà. Chỉ trong 2 ngày trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm khiến 11 em nhỏ chết đuối.
Qua sự việc nói trên cho thấy, dù được nhà trường tăng cường tuyên truyền phổ biến không nên tắm sông, ao hồ, nhưng nhiều học sinh vẫn chưa ý thức được hậu quả dẫn đến tai nạn xảy ra. Được biết, hầu hết các học sinh nói trên đều không biết bơi. Dù ngành GD&ĐT đều ra sức “hô hào”, song do thiếu kinh phí, nhất là ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn đến nay việc dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh vẫn chỉ dừng lại ở mức phổ biến, lên kế hoạch.
Kỹ năng sống vừa yếu vừa thiếu
Đánh giá về sự việc học sinh gặp tai nạn thương tâm cũng như thiếu kỹ năng sống hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ngay cả ở các thành phố lớn còn có nhiều trường chưa chú trọng dạy kỹ năng sống cần thiết cho học sinh, thậm chí phụ huynh cũng chưa quan tâm lắm đến vấn đề này. Bởi nhiều người luôn cho rằng, kiến thức mới là điều quan trọng, những thứ khác có thể “học sau”. Đó là lý do tại sao nhiều học sinh chưa biết bơi dẫn đến việc đi tham quan, dã ngoại dễ gặp tai nạn đáng tiếc.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thực tế cho thấy, các em học sinh, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi gặp rất nhiều khó khăn: Do đi học xa, có nhiều nguy hiểm rình rập trên đường đi học như: Lở đất, thú dữ…, nên cần phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn từ phía phụ huynh và nhà trường để trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh. Điều đó sẽ giúp các em chuẩn bị cho mình những kỹ năng ứng phó thiết yếu, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nhiều gia đình “thả nổi” con cái cho nhà trường, nên khi xảy ra vấn đề nào đó các em thường rơi vào trạng thái bị động và không biết xử lý thế nào.
Trước những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên đường đi học, đi tham quan và nghỉ học trong thời gian qua. Sắp đến kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4, nghỉ hè… nhiều trường hoặc gia đình tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại cho học sinh. Dịp này cũng tiềm ẩn những rủi ro tai nạn thương tích cho học sinh, đặc biệt là những em chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng sống. Điều này khiến các bậc phụ huynh luôn canh cánh mối lo tai nạn thường trực xảy ra đối với con em mình.
Đưa ra lời khuyên cho nhà trường, phụ huynh trong quản lý học sinh trong thời gian tham quan, nghỉ học, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Các em học sinh thích tìm tòi, khám phá… do đó rất dễ gặp tai nạn và không biết xử lý tình huống. Vậy nên, các trường khi tổ chức tham quan, dã ngoại cho học sinh cần phải tìm hiểu kỹ về điểm đến, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, cắt cử giáo viên quản lý, cảnh báo về mối nguy hiểm có thể xảy ra trong suốt chuyến đi. Phụ huynh cũng tham gia góp ý cho nhà trường, thậm chí từ chối nếu cảm thấy chuyến đi của con thiếu an toàn. Hãy trang bị tốt kiến thức để làm hành trang cho học sinh trong mỗi chuyến đi và cuộc sống thường ngày”.
Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học. Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Chậm nhất vào năm học 2014-2015, cả nước phải xong mô hình thí điểm trước khi tổ chức dạy bơi đại trà. Tuy nhiên, đến năm học 2015-2016 nhiều địa phương vẫn “loay hoay” dạy bơi cho học sinh vì thiếu cơ sở vật chất, kinh phí và mang nặng yếu tố xã hội hóa.