Chúng biết rằng mình đang đi đâu (khi chúng băng qua đường)
Gà nhà, giống như chim bồ câu, điều hướng bằng la bàn tích hợp hoặc các cảm biến sinh học phát hiện từ trường của Trái đất.
Nhà nghiên cứu Wolfgang Wiltschko nói với LiveScience rằng một số nhà khoa học tin rằng cảm biến từ của gà có thể nằm đâu đó trong đôi mắt của chúng, bởi vì loài gà dường như cần phải có bước sóng ngắn (giống như ánh sáng màu xanh) để điều hướng.
Trong thí nghiệm của Wiltschko, nhận thức về hướng của gà bị mất dưới những bước sóng dài hơn.
Vì vậy, khi bạn gặp một con gà đang băng qua đường, đừng rú còi vào nó. Hãy kiên nhẫn. Nó biết mình đang đi đâu. Có lẽ là như vậy.
Gà chạy mà vẫn giữ đầu của chúng đứng yên
Sức mạnh siêu nhiên của gà ư? Đó chính là khả năng giữ cái đầu siêu ổn định bất kể phần còn lại của cơ thể chúng có lắc lư thế nào. Nhưng nó hoạt động thế nào?
Không giống như con người, gà và các loài chim khác không thể di chuyển đôi mắt của mình để điều chỉnh thị giác khi cơ thể chúng di chuyển.
Vì vậy, gà phải giữ nguyên cái đầu để đảm bảo tầm nhìn của chúng. Hệ thống điều chỉnh mắt mà tự động ổn định tầm nhìn của bạn trong khi bạn chạy, nhảy, hoặc khiêu vũ chỉ đơn giản là thiếu ở loài gà.
Một loài thay thế cho khủng long
Gà thực sự là những con khủng long sống sót cuối cùng, vì vậy các nhà nghiên cứu quyết định gắn một cái đuôi giả vào gà để nghiên cứu tổ tiên cổ xưa của chúng đã đi thế nào.
Các nhà nghiên cứu đã công bố trong bản tóm tắt nghiên cứu của họ trên tạp chí PLoS: "Bằng thao tác thực nghiệm vị trí trung tâm của khối lượng trong các loài chim sống, chúng ta có thể tái tạo lại tư thế chân tay và chuyển động học để đưa ra kết luận đối với khủng long hai chân đã tuyệt chủng".
Gà con lớn lên với cái đuôi giả thực sự thay đổi tư thế của chúng, và đã có một cấu trúc xương đùi thẳng đứng, xác nhận rằng có "một sự thay đổi từ sự điều chỉnh bằng hông sang điều chỉnh bằng đầu gối để di chuyển chân tay thông qua quá trình tiến hóa theropod – loài khủng long ăn thịt khổng lồ."
Không quá ngạc nhiên, nghiên cứu đột phá này đã đoạt giải Ignobel sinh học vào năm 2015.
Trở thành “gà - khủng long"
Hồi sinh khủng long bằng cách tinh chỉnh hệ gen gà không phải là một ý tưởng mới. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Chile đã tăng trưởng thành công một cấu trúc xương giống khủng long ở chân của một con gà, tạo nên một số tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển loài “gà – khủng long” - một ý tưởng đầy tham vọng được hình dung và phổ biến rộng rãi bởi nhà cổ sinh vật Mỹ Jack Horner.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu nói với tạp chí Motherboard rằng “gà – khủng long” không phải mục tiêu cuối cùng của họ. Họ chỉ muốn hiểu rõ hơn về các loài chim đã tiến hóa từ khủng long trước đó.
Thiết lập thứ tự phân hạng
Gà thường không mổ các nút trong một nhà máy điện, trừ trong phim hoạt hình Simpsons. Nhưng chúng mổ để thiết lập một trật tự xã hội, một hệ thống cấp bậc trong bầy để giành quyền sử dụng thực phẩm và nước. Thứ tự phân hạng của một đàn gà thường được thiết lập từ giai đoạn gà con, nhưng cũng có thể được thay đổi một chút sau đó bằng những cuộc chiến.
Thorleif Shjelderup-Ebbe, một nhà động vật học người Na Uy, là người đầu tiên đề ra thuật ngữ thứ tự phân hạng từ những quan sát kỹ lưỡng về đàn gà của mình. Hệ thống phân cấp xã hội cũng đã được tìm thấy trong các sinh vật sống khác như côn trùng, cá và các loài linh trưởng.
Một loại cự tuyệt tối thượng
Cấp bậc xã hội của gà thực sự có tầm ảnh hưởng lớn. Gà mái từ chối tinh trùng từ những con gà trống có địa vị thấp dựa trên tiêu chí tuyển chọn. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng, nếu gà trống có cấp bậc thấp, gà mái có nhiều khả năng sẽ từ chối tinh trùng từ chúng.
"Dường như là con cái có thể đóng một vai trò quan trọng nhưng khó thấy hơn nhiều trong “cuộc chiến thụ tinh”", tác giả nghiên cứu Tommaso Pizzari của Đại học Oxford nói với LiveScience.
Gà quốc tế
Ý tưởng về một giống Gà quốc tế - một vật lai của tất cả các loại gà trên thế giới - là một trong những nỗ lực liên quan đến gà vĩ đại. Thay vì sử dụng gà làm thực phẩm, nghệ sĩ người Bỉ Koen Vanmechelen lại coi chúng như là một biểu tượng của sự đa văn hóa, điều đã khiến ông bắt đầu dự án Gà quốc tế vào những năm 1990.
"Dự án Gà quốc tế chính là một tấm gương. Mỗi sinh vật cần sinh vật khác để tồn tại," Vanmechelen nói trên trang web của dự án. Giống gà lai với những DNA đa dạng có thể khỏe mạnh hơn so với gia cầm thuần chủng, theo Modern Farmer.
Những nghiên cứu này của con người là rất tốt, nhưng những con gà thì nghĩ gì? Năm Dậu đã bắt đầu, một số người trong chúng ta có thể tò mò về trí thông minh và chiều sâu cảm xúc mà loài sinh vật này có.
Sau đây chính là điểm khởi đầu cho cuộc hành trình đó: Nhà thần kinh học Lori Marino, giám đốc khoa học của Dự án Quyền của những loài không phải con người, gần đây đã viết một bài báo mang tên "Nghĩ theo cách của loài gà".