Ngẫm nghĩ về bài học Phật dạy này, bạn sẽ hiểu phúc khí lớn nhất đời người nằm ở đâu :
Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, những người gặp phải cũng có dăm bảy loại, “thạch sanh thì ít lý thông thì nhiều”, nếu lúc nào cũng đau đáu giận giữ, hận thù, bất mãn,… thì cả đời bạn sẽ phải chịu thống khổ và mệt mỏi.
Chúng ta sinh ra, ăn học, nói chuyện, tìm kiếm việc làm,… tất cả nhằm đến một mục đích tối thượng là có được hạnh phúc. Thế nhưng, nhiều người dù cố gắng bao nhiêu, vất vả lăn lộn cả đời cũng không có được hai chữ tưởng như đơn giản này.
Bởi lẽ, hạnh phúc đi liền với sự thanh thản trong tâm hồn. Một người chỉ có thể hạnh phúc thực sự khi thanh thản, mà xã hội với bao bon chen, tính toán – khó mà khiến người ta thanh thản được.
Theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã hỏi một vị Sa môn rằng: "Tuổi thọ của con người dài trong bao lâu?". Vị Sa môn trả lời: "Chỉ bằng một hơi thở". Đức Phật nói: "Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo".
Chính vì cuộc sống vốn ngắn ngủi như thế, nên để có được hạnh phúc và thanh thản, Phật dạy con người cần biết “buông xả” và “tha thứ”.
Người biết buông sẽ hiểu những lợi danh, hận thù, toan tính,… rốt cuộc sẽ chẳng đi đến đâu khi con người rồi cũng về cõi vĩnh hằng. Bao nhiêu “tham – sân – si” nặng nề nếu “xả” đi được thì cuộc sống mới trở nên tự tại và an yên. “Được mà vẫn điềm tĩnh, mất mà chẳng hoang mang”.
Bài học tha thứ, tưởng đơn giản mà chưa chắc mấy ai đã học được. Khi vấp phải những giận giữ, oán hờn, bị kẻ khác làm cho trầy trật tổn thương, mấy ai học được cách để thực sự quên đi?
Nhưng hãy hiểu rằng, tất cả những chuyện xảy ra đã là quá khứ, nửa đời đã bị người hại, hà tất phải dành nốt nửa đời còn lại hại lại người và hại luôn cả mình.
Thế mới nói, kẻ khơi dậy được lòng thù hận, khiến ta quyết định trả thù thì đã là đạt được mục đích của chúng, hủy hoại những năm tháng thanh xuân hạnh phúc của ta trong âm mưu, thù ghét.
Người có thể tha thứ được, vì thế mới là người cần nhiều hy sinh và nhẫn nại.
Nhưng biết cách tha thứ, bản thân sẽ học được bài học đích thực từ lỗi lầm của người khác. Ta sẽ có thêm kinh nghiệm, có thêm kĩ năng, nhưng không có thêm những giận giữ, khổ đau.
Một khi được thoải mái, lạc quan, cái tâm mới trong sáng, vui vẻ để ta có thể hướng đến mục tiêu quan trọng nhất của chính mình. Vì ta sống trong đời này là để nâng mình lên, chứ không phải để hạ người khác xuống.
Biết tha thứ, cũng đồng nghĩa với tâm hồn rộng mở. Giống như chiếc cốc phải vơi mới rót thêm được nước, tấm lòng rộng mở sẽ cho ta đón nhận được từ cuộc đời này nhiều nhân hậu và đam mê.
Hãy hiểu rằng, trong cả triệu triệu người trên thế gian này, với triệu triệu hoàn cảnh, triệu triệu nhân cách và lẽ sống, thì có va chạm, mâu thuẫn với nhau cũng là điều tất yếu. Học cách hiểu cho người khác, ta cũng sẽ hiều được bản thân mình.
Biết rộng lượng và tha thứ, chính là đã đạt được đến cảnh giới của hạnh phúc.