Chúng ta đều biết, đại dương chiếm 3/4 diện tích của Trái Đất. Tuy nhiên, số lần chúng ta đặt chân xuống những nơi sâu thẳm nhất đại dương còn ít hơn số lần con người từng lên Mặt Trăng!
Đại dương ẩn chứa rất nhiều bí ẩn mà con người chưa thể khám phá trọn vẹn.
Do đó, các nhà hải dương học Mỹ kết luận: Hơn 95% cuộc sống dưới đại dương hiện vẫn còn là bí ẩn của toàn nhân loại. Một trong các bí ẩn đó mang tên khe "địa ngục" Mariana.
Theo các nhà khoa học, ánh sáng Mặt Trời chỉ xuyên sâu nhất là 207 mét dưới mặt nước đại dương. Trong trường hợp hữu hạn, ánh sáng cũng chỉ có thể xuyên thấu sâu nhất là 1.000 mét dưới bề mặt nước.
Vì vậy, ở Mariana - rãnh nứt đại dương sâu nhất hành tinh, thuộc phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương, ánh sáng dường như trở nên "bất lực".
Tại điểm sâu nhất của khe nứt Mariana là Challenger Deep có độ sâu khoảng 10.984 mét, sự sống rất khó tồn tại.
Vị trí của khe nứt Mariana và điểm sâu nhất thế giới - Vực Challenger. Ảnh: Wikipedia.
Đồ họa 3D rãnh Mariana (đường đứt đoạn). Đồ họa: Livescience
Nơi đây được biết đến là một trong những "địa ngục" có điều kiện sống khắc nghiệt nhất trên hành tinh: Không ánh sáng, áp suất lớn vô cùng cộng với nhiệt độ cực thấp.
Với những điều kiện đó, người ta nghĩ rằng Mariana cũng sẽ là nơi tĩnh lặng nhất trên Trái Đất. Thế nhưng, các nhà khoa học mới đây đã phát hiện hàng loạt âm thanh bí ẩn tại khe "địa ngục" này.
Phát hiện loạt bí ẩn tại "khe địa ngục" Mariana
Đối với con người, khe nứt Mariana bí ẩn và đen tối theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khu vực này, tính cho đến nay, mới chỉ có 3 cá nhân dám thực hiện chuyến hành trình khám phá, trong đó có đích thân đạo diễn gạo cội Mỹ James Cameron thực hiện năm 2012.
Con tàu đặc biệt của đạo diễn James Cameron đi khám phá rãnh Mariana năm 2012.
Nhà hải dương học Bob Dziak thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) mới đây đã thực hiện chuyến thám hiểm điểm sâu nhất của Mariana là Challenger Deep (Vực thẳm Challenger).
Đội thám hiểm của Nhà hải dương học Bob Dziak tiến hành khám phá Vực thẳm Challenger. Ảnh: Npr.org
Trang bị các thiết bị thám hiểm hiện đại, nhà hải dương học và cộng sự thực sự sốc khi phát hiện loạt âm thanh bí ẩn có phần ghê rợn phát ra từ Vực thẳm Challenger.
Loạt âm thanh này khi thì phát ra như những tiếng rít hoang dại, khi thì trầm âm u...
Âm thanh khác nhau tại Vực thẳm Challenger:
Nguồn mp3: Pitchfork
Đội thám hiểm còn ví rằng, âm thanh ở khu vực sâu nhất hành tinh này chẳng khác nào âm thanh chốn "địa ngục".
Thậm chí, sau khi loạt âm thanh được công bố, nhiều người theo thuyết UFO còn tin rằng đó là tiếng hoạt động của người ngoài hành tinh "trốn" trong những môi trường khắc nghiệt nhất của Trái Đất nhằm tránh con mắt "dòm ngó" của loài người.
Để có được các bản âm thanh này, đội của Bob Dziak mạo hiểm cả tính mạng để đặt cho bằng được chiếc máy ghi âm bọc titan trong suốt gần 1 tháng trời xuống khu vực sâu hơn 10.000 mét.
So sánh chiều sâu khủng khiếp của rãnh Mariana với các chiều cao và chiều sâu khác trên thế giới.
Trong quá trình ghi âm, thiết bị của đội thám hiểm cũng ghi được nhiều âm thanh khác nhau như sóng âm của cá voi, rung chấn động đất...
Cho nhiều ý kiến cho rằng, đội thám hiểm đã nhầm những âm thanh kia với các hoạt động qua lại của con người và sự hoạt động của địa chấn.
Tuy nhiên, qua phân tích và sàng lọc, những âm thanh bí ẩn ghi được vẫn chưa tìm được nguồn gốc.
Do điều kiện thiếu ánh sáng và áp lực cực lớn tại đây, âm thanh là một trong những "manh mối" giúp khoa học hình dung một "thế giới" sâu hoắm ở Mariana.
Mặc dù bản ghi âm này chưa nói lên được điều gì nhưng đã phần nào giúp các nhà khoa học có động lực làm sáng tỏ hơn về ở rãnh Mariana.
Đặc điểm của Mariana
- Rãnh hay khe nứt Mariana thuộc quần đảo Mariana, ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương.
- Độ sâu khủng khiếp của rãnh Mariana còn lớn hơn đỉnh núi Everest cao nhất thế giới.
- Toàn bộ rãnh có chiều dài là 2.550 km. Chiều rộng của rãnh lại vô cùng khiêm tốn, chỉ khoảng 69 km.
- Theo các nhà khoa học, rãnh Mariana còn có điểm sâu hơn vực thẳmChallenger. Tuy nhiên, đến nay, chưa ai phát hiện và kiểm chứng điều đó.
Những phát hiện âm thanh khác bí ẩn của đại dương
The Bloop - Âm thanh bí ẩn thách thức khoa học gần 20 năm
Năm 1997, các nhà nghiên cứu thuộc NOAA phát hiện loạt âm thanh vô cùng khó hiểu và kỳ quái ở độ sâu 4,3 km (thuộc vùng biển cách Chile 1.750 km về phía Tây).
Điều kỳ quái ở đây là, NOAA phát hiện ra âm thanh ở khoảng cách không tưởng: 5.000 km. Họ đặt tên cho nó là "The Bloop".
Âm thanh bí ẩn của The Bloop.
Sau hàng loạt các thẩm định, đánh giá, các nhà khoa học cho biết, không có bất cứ nguồn tạo âm thanh nào con người từng biết có thể phát ra âm thanh ở khoảng cách xa như vậy được.
Tiếng nứt gãy của những tảng băng lớn, cá voi xanh... đều đã được đưa ra để so sánh. Nhưng tất cả đều không khớp vời cường độ mà "The Bloop" phát ra. Đọc bài chi tiết, Tại đây.
Ngoài "The Bloop" và loạt âm thanh bí ẩn tại khe nứt Mariana, Trái Đất và đại dương của chúng ta còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn mà đến nay khoa học chưa thể làm sáng tỏ.