Đoạn phóng sự trên một kênh truyền hình mới đây quay cảnh người nông dân dùng chổi tre quét tạt trên ngọn từng luống rau đang trổ lá.
“Làm thế để lừa người tiêu dùng như là sâu ăn” - bác nông dân thành thật trả lời ngay trước ống kính. Dễ hiểu, khi phóng sự phát lên, người tiêu dùng khắp nơi nhấp nhổm: Giờ họ lừa chúng tôi, đến mức này đây! Không thể biện minh, đó là một hành động lừa gạt. Việc tạo ra những vết rách như sâu ăn trên rau, đánh vào định kiến: “Rau có sâu là rau không phun thuốc” của người tiêu dùng bấy nay.
Cách đây bốn năm, tôi đến xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu về mô hình GlobalGAP áp dụng với đặc sản vú sữa Lò Rèn. Chẳng ngờ, đặc sản vú sữa Lò Rèn đang rơi vào cơn bĩ cực. Hợp tác xã đứng trước nguy cơ giải thể, vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Các xã viên thay nhau viết đơn xin ra khỏi hợp tác. Số chưa ra, thì mạnh ai nấy làm, không tuân thủ phương thức canh tác GlobalGAP nữa. Ông chủ nhiệm đưa chúng tôi đến nhà một lão nông vẫn kiên trì theo đuổi GlobalGAP. Đó là một nỗ lực phi thường.
Trên mảnh vườn rộng vài hecta, với hàng trăm cây vú sữa, lão nông mua túi giấy tiêu chuẩn Global GAP về, bắc thang leo lên từng cây, bọc từng trái từ khi còn xanh để bảo vệ khỏi sâu bệnh và an toàn khi phun thuốc. Cả hàng chục nghìn quả vú sữa đã được bọc trong túi giấy như thế. Tôi đã được ăn thử, đó là trái vú sữa đẹp nhất, thơm ngon nhất mà tôi từng được ăn. Nhưng những quả vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GlobalGAP ấy không có đầu ra. Xuất khẩu khó, vì việc vận chuyển loại trái cây vỏ mềm ấy không đơn giản. Còn thị trường trong nước thì không tiêu thụ được. Không phải chỉ vì giá thành cao, mà lý do bất ngờ nhất, là vì quả vú sữa trồng theo phương thức này đẹp quá. Sự nhẵn bóng, chín đều, không có lấy một nốt sần sâu bệnh của quả vú sữa, khiến người ta nghi ngờ việc lạm dụng thuốc hóa học.
Định kiến của người tiêu dùng đối với chất lượng nông sản là rất xấu. Đó là thực tế. Bây giờ, người tiêu dùng tin vào các hệ thống phân phối nông sản uy tín. Hoặc nếu không có điều kiện tiếp cận những hệ thống như thế, họ sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình - thứ kinh nghiệm dân gian, truyền miệng, và nhiều khi phản khoa học. Rau xanh mởn trái vụ là sản phẩm của thuốc kích thích tăng trưởng, còn rau lốm đốm vết sâu, mà tốt nhất là có cả con sâu xanh bò lổm ngổm, thì là rau sạch, vì không phun thuốc. Chính định kiến đó dẫn đến hành vi tiêu dùng và hành vi tiêu dùng ấy của thị trường khiến những nông dân tìm cách “lừa gạt” một chút, để nông sản dễ tiêu thụ hơn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, nhưng không khó hiểu.
Tôi từng tổ chức một talk show trên truyền hình, với hai vị khách mời đại diện cho người tiêu dùng và đơn vị cung cấp rau sạch. Giám đốc công ty rau sạch than thở về sự khó khăn trong kinh doanh, khi mà giá rau sạch mua tận gốc đã cao, bảo quản lại khó, và người tiêu dùng vẫn không tin. Còn đại diện người tiêu dùng, một bà nội trợ đã về hưu, thì nhắc đi nhắc lại: “Chúng tôi cần các anh, chúng tôi cần rau sạch, các anh hãy cố kiên nhẫn hơn. Bởi vì chính người tiêu dùng chúng tôi cũng cần thay đổi”.
Khi những bà nội trợ vẫn chưa thay đổi định kiến, thì người nông dân sẽ còn phát kiến ra những mánh khóe, như là lấy chổi tre cào cho xước lá.
Bởi chúng ta không tin nhau.