Điện thoại thông minh, máy tính bảng dần trở nên phổ biến trong cuộc sống gia đình. Theo một nghiên cứu tại Đại học Iowa, có đến 90% trẻ nhỏ mới 2 tuổi đã biết sử dụng máy tính bảng. Bên cạnh đó, nhiều trẻ bị nghiện loại thiết bị này khi mới từ 3 đến 4 tuổi.
Những phân tích dưới đây cho thấy những hệ quả rất nghiêm trọng mà các thiết bị di động ảnh hưởng đến một đứa trẻ.
Giảm gắn kết giữa trẻ và bố mẹ
Trong giai đoạn từ 0 đến 2 tuổi, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Vì vậy những tương tác giữa cha mẹ và con cái không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của não mà còn tăng sự gắn kết tình cảm của đứa trẻ với gia đình.
Tuy nhiên, với trẻ dành quá nhiều thời gian bên smartphone thì ngược lại. Bà Denise Daniels, một y tá nhi khoa, cho biết: "Liên kết thần kinh của trẻ thay đổi và thay vào đó là một yếu tố khác. Nó ảnh hưởng đến sự tập trung, lòng tự trọng, trong nhiều trường hợp chúng tạo ra bức tường ngăn cách con cái với cha mẹ".
Gây nghiện
Điện thoại thông minh và máy tính bảng cho phép một đứa trẻ có được bất cứ điều gì chúng muốn chỉ với những nút bấm. Nó không dạy chúng điều độ, kiểm soát xung đột hoặc làm thế nào để thử thách chính mình, và đó là những đặc điểm của một cá tính gây nghiện.
Dễ nổi nóng, cáu gắt
Cha mẹ thường có xu hướng đưa con mình một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng để xoa dịu hoặc đánh lạc hướng chúng. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến trẻ nhỏ nghĩ rằng mình được yêu chiều và ngày càng trở nên khó tính hơn.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị điện tử vào ban đêm sẽ khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hơn.
Ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại sẽ gây ức chế hoóc-môn gây buồn ngủ và làm thay đổi chu kỳ sinh học tự nhiên của cơ thể, từ đó khiến kết quả học tập của trẻ cũng bị giảm sút đáng kể.
Giảm khả năng học hỏi
Một số người cho rằng các trò chơi điện tử sẽ kích thích sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Jenny Radesky, giảng viên lâm sàng khoa Nhi tại Đại học Boston thì các thiết bị này cũng tác động đến sự phát triển giác quan vận động và kỹ năng vận động tinh (việc cầm, nắm đồ vật), ảnh hưởng đến khả năng học tập môn toán và khoa học.
Hạn chế khả năng giao tiếp
Khi dành quá nhiều thời gian cho công nghệ, những đứa trẻ trong giai đoạn tập nói sẽ ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng nói thật của những người trong gia đình.
Chúng cũng không phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản như khả năng nói, ngôn ngữ cơ thể, các thể hiện cảm xúc đau buồn, vui vẻ... và dần dần trở nên vô cảm, từ đó khiến liên kết giữa trẻ với mọi người xung quanh mất dần.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần
Rất nhiều trẻ bị cyberbulled (thuật ngữ chỉ tình trạng bạo lực Internet) khi tiếp xúc với các thiết bị thông minh. Ngoài ra, những hình ảnh và các diễn đàn trực tuyến có thể làm cho một đứa trẻ mới lớn hoặc trẻ vị thành niên cảm thấy khó chịu về cơ thể đang phát triển của mình.
Ít vận động dẫn đến béo phì
Một điều dễ nhận thấy khác ở những trẻ nghiện thiết bị thông minh đó là béo phì, do khi sử dụng smartphone, tablet, trẻ sẽ không phải di chuyển và rất ít hoạt động.
Điều này dẫn đến bệnh béo phì, căn bệnh liên quan đến một số bệnh lý nguy hiểm khác như bệnh tiểu đường, có nguy cơ đột quỵ cao và đau tim.
Trẻ có xu hướng bạo lực hơn
Từ việc thiếu giao tiếp và mất dần liên kết với mọi người xung quanh, trẻ em sẽ dần trở nên vô cảm và không còn nhạy cảm với bạo lực. Chúng có thể nghĩ rằng chuyện này là rất bình thường.
Tăng lo lắng về mặt xã hội
Một đứa trẻ sẽ cảm thấy bị bối rối, khó hòa nhập với cộng đồng khi chúng thiếu những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Điều này bắt nguồn từ việc chúng bị nghiện điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Trẻ không có được những trải nghiệm thực tế, không có khả năng nhận biết những cử chỉ ngôn ngữ cơ thể hay sự cảm thông, thấu hiểu với những người xung quanh.
Những biểu hiện trên sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ tiềm tàng, ban đầu là những ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ và sâu xa hơn, nó còn ảnh hưởng đến cả tương lai của xã hội.