Thiết bị tạo hương vị trên lưỡi nhờ sự thay đổi của nhiệt độ. Ảnh: Nimesha Ranasinghe.
|
Các nhà khoa học trên thế giới đang thử nghiệm "thực phẩm ảo" sử dụng thiết bị điện tử để mô phỏng hương vị và cảm giác của thức ăn ngoài thực tế, ngay cả khi trong miệng không có gì. Công nghệ này có thể thêm đầu vào cảm giác cho trò chơi thực tế ảo, làm tăng trải nghiệm ăn uống trong thế giới thực, theo New Scientist.
Một số dự án đạt thành công trong việc đánh lừa cảm giác, giúp chúng ta nếm mùi vị của thức ăn không có thật. Năm 2013, Nimesha Ranasinghe, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore, thử nghiệm "kẹo mút kỹ thuật số" mô phỏng theo nhiều hương vị khác nhau và thí nghiệm một chiếc thìa gắn điện cực có khả năng khuếch đại các vị mặn, chua, đắng trong thức ăn. Nhưng thí nghiệm của Ranasinghe với sự kích thích điện chưa đạt được nhiều thành công trong việc mô phỏng vị ngọt.
Vì vậy, Ranasinghe và đồng nghiệp của ông tên là Ellen Yi-Luen Do bắt đầu chuyển hướng thử nghiệm sang công nghệ kích thích nhiệt. Họ trình bày dự án mới tại Hội nghị chuyên đề Công nghệ và Phần mềm Giao diện Người dùng ACM 2016 (UIST) tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản, vào tháng 10/2016.
Ranasinghe sử dụng sự thay đổi nhiệt độ để mô phỏng cảm giác của vị ngọt trên lưỡi. Người dùng đặt đầu lưỡi trên một bảng nhiệt điện hình vuông có khả năng nhanh chóng nóng lên hoặc nguội đi. Thiết bị sẽ chèn tín hiệu lên các tế bào thần kinh nhạy cảm với nhiệt độ trên lưỡi, tạo ra cảm giác hương vị.
Ở thử nghiệm đầu tiên, công nghệ kích thích nhiệt cho thấy hiệu quả trên khoảng một nửa số người tham gia. Nhiều người báo cáo có cảm giác cay khi thiết bị ấm hơn (khoảng 35°C) và có hương vị bạc hà khi thiết bị mát hơn (khoảng 18°C). Ranasinghe và Do cho rằng hệ thống trên có thể được nhúng vào trong cốc hoặc ly để làm đồ uống ít đường trở nên ngọt hơn.
Tuy nhiên, thực phẩm không đơn thuần chỉ có hương vị. Đặc điểm kết cấu thức ăn cũng rất quan trọng. Trong tuần này, Arinobu Niijima và Takefumi Ogawa, hai nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tokyo, Nhật Bản, giới thiệu một thiết bị sử dụng điện để mô phỏng trải nghiệm nhai với kết cấu thức ăn khác nhau.
"Hệ thống Kết cấu Thức ăn Điện tử" của Niijima và Ogawa cũng dùng các điện cực nhưng không phải ở trên lưỡi. Thay vào đó họ đặt chúng trên cơ cắn (masseter muscle), một cơ ở hàm dùng để nhai, nhằm tạo ra cảm giác về độ cứng và độ dai của thức ăn khi người dùng cắn xuống.
"Không có thức ăn ở trong miệng, nhưng người dùng cảm thấy như họ đang nhai một ít thức ăn nhờ thông tin phản hồi xúc giác do sự kích thích cơ bắp bằng điện", Niijima nói.
Để khiến "thức ăn ảo" có kết cấu cứng hơn, nhóm nghiên cứu kích thích các cơ bắp ở tần số điện cao hơn. Trong khi đó, một xung điện dài mô phỏng kết cấu thức ăn đàn hồi hơn. Niijima cho biết hệ thống của họ đạt được hiệu quả cao nhất trong việc mô phỏng kết cấu kẹo dẻo.
Cả hai công trình nghiên cứu trên vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng chúng hứa hẹn sẽ giúp đỡ được những người có chế độ ăn uống đặc biệt hoặc gặp các vấn đề sức khỏe. "Có rất nhiều người không thể ăn thức ăn một cách thoải mái vì hàm răng yếu, dị ứng và do yêu cầu chế độ ăn uống. Chúng tôi muốn giúp họ thỏa mãn sở thích ăn uống và tận hưởng cuộc sống hàng ngày", Niijima nói.
Xem thêm: Thiết bị đánh lừa vị giác giúp ăn ngon miệng hơn