Còn về thành phần canxi, thực ra nước xương hầm không ra được 100% canxi. Người ta đã phân tích 100ml xương hầm chỉ chứa 33,5 mlg canxi, chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu canxi của trẻ. Một nhược điểm nữa là tỉ lệ canxi - phốt pho phải cân đối thì trẻ mới hấp thu được canxi, trong khi đó trong nước xương hầm, canxi thì cao mà phốt pho thì thấp nên khi trẻ ăn cháo nấu từ loại nước dùng này, cơ thể sẽ phải huy động phốt pho từ xương cột sống của bé ra, từ đó dẫn đến việc trẻ sẽ bị còi xương thứ phát.
Thêm một lầm tưởng nữa là khi các bà, các mẹ chọn mua xương hầm cho con thường chọn loại xương ống có nhiều tủy. TS. BS Phạm Thị Thúy Hòa giải thích, thành phần đạm trong tủy thì ít, chất béo thì nhiều, mà chất béo trong tủy lại là chất béo no, hay nói cách khác là chất béo khó tiêu nên khi vào cơ thể, nó sẽ hạn chế việc hấp thu các chất dinh dưỡng khác của trẻ.
Tác hại của việc thường xuyên cho trẻ dùng nước hầm xương
Các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến cáo dùng nước xương hầm cho trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Khi bé ăn cháo hoặc bột nấu từ nước hầm xương thường xuyên, bé sẽ bị thiếu hàng loạt các chất dinh dưỡng. Chỉ một thời gian ngắn bé sẽ mắc phải một loạt các bệnh liên quan đến việc thiếu hụt chất dinh dưỡng như bị thấp còi, thiếu năng lượng, thiếu canxi và các chất dinh dưỡng khác. Cụ thể, trẻ có thể gặp phải một số chứng bệnh sau:
Các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến cáo dùng nước xương hầm cho trẻ từ 3 tuổi trở xuống.
- Bị tiêu chảy hoặc khó tiêu: Chất béo động vật có nhiều trong tủy xương khiến trẻ rất khó tiêu hóa, gây cảm giác khó chịu. Nếu như trẻ ăn quá nhiều và quá thường xuyên, nguy cơ bị tiêu chảy rất cao.
- Thiếu chất dinh dưỡng: Nước hầm xương chứa nhiều nitơ, tạo cảm giác ngọt, mùi thơm, ngon miệng, dễ ăn nhưng ít đạm, canxi, lại cản trở việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Vì thế nếu chỉ dùng nước xương hầm nấu cháo cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị thiếu chất dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Còi xương, chậm mọc răng: Khi ninh xương, lượng canxi trong nước xương hầm không nhiều, hơn nữa đó lại là canxi vô cơ khiến trẻ không hấp thụ được. Trong khi đó, với trẻ nhỏ, canxi là thành phần dưỡng chất vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển răng, xương, tăng trưởng chiều cao. Đó là lý do dùng nước xương hầm còn có nguy cơ gây ra bệnh còi xương cho trẻ.
- Trẻ lười nhai, chán ăn: Ở giai đoạn ăn dặm, nếu như trẻ thường xuyên được nấu cháo nhuyễn với nước hầm xương mà không có thêm các thành phần khác như thịt, cá, rau xanh... trẻ sẽ dần hình thành thói quen lười nhai và kén ăn, ngại ăn các loại thực phẩm khác, vì cháo nấu bằng nước xương luôn tạo cảm giác thơm ngon và ngọt hơn. Về lâu dài, việc này ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến thói quen ăn uống của trẻ.
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, mỗi bữa ăn luôn phải đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết.
Gợi ý cách nấu cháo ăn dặm đúng cách cho trẻ
- Dù chọn phương pháp ăn dặm nào thì các bữa ăn của trẻ phải luôn đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất, bao gồm: chất đạm (thịt, cá, trứng...), tinh bột, rau củ và chất béo (mỡ, dầu ăn). Chú ý chọn những thực phẩm tươi, sạch để nấu cho trẻ.
- Để trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau, giúp cung cấp đẩy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bố mẹ có thể giới thiệu cho bé làm quen dần với từng loại. Nên xay nhuyễn, băm nhỏ thịt, cá, rau củ quả ở giai đoạn bé mới tập ăn dặm, và tăng dần độ thô của thức ăn, tùy thuộc vào khả năng thích ứng của từng bé để bé làm quen với việc nhai.
- Với trẻ dưới 1 tuổi, không nên dùng mắm, muối khi chế biến đồ ăn dặm cho bé. Vì vậy, các mẹ có thể ninh nước rau củ làm nước dùng nấu cháo cho trẻ để món ăn thêm hấp dẫn.