Lúc còn đi học ở Việt Nam, tôi thường được khen là trò giỏi nhưng tuyệt nhiên không có ai gọi tôi là con ngoan, trò ngoan lại càng không.
Khi mới nghe nói về tư duy phản biện, tôi không biết đó là gì. Tuy vậy, lúc đó tôi đã biết "critical thinking" là gì và đã được các giáo sư ở Australia giảng dạy về khái niệm này.
"Critical" dịch ra tiếng Việt là "phê bình", đồng thời còn có nghĩa là "tối quan trọng". Phê bình khác với phê phán, nó cũng khác với phản kháng, và tất nhiên là khác với biện minh. Phê bình thật ra là để đóng góp ý kiến, làm cho vấn đề được sáng tỏ và đưa ra giải pháp tối ưu.
Lúc còn đi học ở Việt Nam, tôi thường hay đặt ra câu hỏi, lắc đầu khi giáo viên giảng sai, khiếu nại khi giáo viên chấm điểm khiến tôi mất nửa điểm.
Tôi phát chán với mấy bài viết kể lể chuyện các giáo viên đã nổi giận khi bị học trò chỉ ra cái sai của mình và lời hối lỗi của các học sinh to gan. Có giáo viên phê thẳng vào sổ liên lạc của tôi là nên lễ phép với thầy cô, khiến cho ba mẹ tôi được phen xanh mắt.
Tôi cũng bị cô giáo mời phụ huynh vì cái tội "phát biểu linh tinh", đại khái là giơ tay và đặt ra những câu hỏi khiến giáo viên cảm thấy bối rối.
Phải đến khi lên tới đại học thì tôi mới được nhận xét là hòa đồng, được giáo viên yêu quý. Tính tôi thì vẫn thế, chỉ là ở Australia thì những cái đó được gọi là "critical thinking", là một trong những mục tiêu giảng dạy của nhà trường. Học tập không phải chỉ là kiến thức, mà còn là học cách suy nghĩ để giải quyết vấn đề.
Điều nhầm lẫn lớn nhất về tư duy phản biện là phê bình vấn đề và phê bình con người. Cách đây không lâu trên báo có đăng việc hai ông bà cụ tuổi U70 đột nhiên lại sinh con. Họ đã có những đứa con trưởng thành hơn 40 tuổi, có cháu cả rồi nhưng giờ lại có thêm con. Những đứa con lớn rất sốc, họ đã cắt đứt liên lạc với cha mẹ mình.
Câu chuyện gây rất nhiều tranh cãi. Một số người chỉ ra rằng, những người con lớn cảm thấy sợ hãi tương lai rất gần là phải nuôi nấng đứa trẻ đỏ hỏn là em mình, trong khi bản thân mình còn phải nuôi các con của mình, vì vậy họ cắt đứt liên lạc với cha mẹ là điều có thể hiểu được.
Để phản bác ý kiến này, nhiều người nói những câu như : "Nghe vào là biết bạn là con người thế nào", "Người thân của bạn chắc khổ sở lắm đây", "Cha mẹ bạn chắc không nhờ vả được gì bạn". Đó là công kích cá nhân chứ chẳng liên quan gì tới tư duy phản biện.
Tư duy phản biện là chỉ ra vì sao ý kiến có những điều chưa hợp lý, hay là ý kiến chưa hoàn chỉnh vì chưa xét đến khả năng là những người con lớn nghèo khổ, khốn khó lắm còn chưa nuôi nổi gia đình, nói gì tới việc gánh vác đứa em nhỏ.
Ở phía những người nhận phê bình, tức là lắng nghe các ý kiến phản biện, thì việc phân tách giữa tấn công cá nhân và đóng góp ý kiến cho vấn đề cần được giải quyết càng quan trọng hơn.
Đa phần nhưng người ở vị thế "bề trên" ở Việt Nam chưa từng được học qua về tư duy phản biện nên kỹ năng này gần như bằng không, vì vậy dẫn đến những kết quả đắng cay, khi mà vấn đề không được giải quyết tốt dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Trong lớp học, khi một học sinh chỉ rằng nên làm cái gì đó khác đi mà giáo viên quát mắng thì chả em nào dám có ý kiến, thậm chí viết khác đi một chữ cũng không. Kết quả là các bạn trẻ ngày nay bị trách móc là tư duy gà công nghiệp, rung động theo mẫu.
Trong môi trường làm việc, khả năng tiếp nhận ý kiến phản biện càng quan trọng hơn. Khi lắng nghe ý kiến thì người nghe nên suy nghĩ xem ý kiến đó có liên quan tới công việc hay không, có đưa ra các dẫn chứng cụ thể hay không, có đưa ra ý tửơng liên quan tới công việc hay không.
Nếu một ý kiến có những điểm đó thì cho dù nó có được đưa ra với thái độ nào thì cũng cần phải lắng nghe. Một người chỉ quan tâm tới cảm xúc của mình mà không nghĩ tới nội dung của ý kiến là một người không có khả năng tiếp thu tư duy phản biện. Cái này mới chính là ngọn ngành của việc tư duy phản biện không được phổ biến với người Việt.
Đưa ra ý kiến phản biện như thế nào là phù hợp cũng là một sự nhầm lẫn lớn ở cả hai phía đưa và nhận. Nhiều người cho rằng nên đưa ra ý kiến khi chỉ có hai người với nhau. Thật ra thì trong đa số trường hợp làm như vậy chỉ khiến cho khả năng phát triển ý kiến và giải quyết vấn đề càng ít đi. Ở học đường, ý kiến phản biện phải được đưa ra trong lớp học.
Ở chỗ làm, ý kiến phải được đưa ra khi cả nhóm làm việc có mặt để kịp thời phê bình, hỗ trợ. Cái đó cũng giống như cần phải xây một cái nhà, toàn bộ kíp thợ phải có mặt để cùng xây, chứ chỉ có hai người cùng xây, sau đó lại gọi người khác vào để xây tiếp thì rất lãng phí thời gian và công sức.
Sau cùng, tư duy phản biện không liên quan tới những chuyện lặt vặt ngoài lề.
Hầu hết người Việt đều trải qua một môi trường giáo dục mà thầy cô luôn đúng nên khi đi làm thuê ai cũng cho rằng cấp trên thì đúng và người làm chủ luôn đúng. Điều thứ hai thậm chí còn được đưa ra làm tiêu chí cho người đi làm thuê. Cách "tư duy" này, hay đúng hơn là việc không chịu tư duy, khiến nhiều người Việt phải chịu nhiều hậu quả không đáng có.
Người Việt hay bị lừa cũng là do họ không biết tư duy phản biện, không biết nhìn xem kẽ hở của vấn đề ở đâu. Thay vào đó, nhiều người Việt có thói quen đi theo sự dẫn dắt của "bề trên".
Vì vậy, bọn lừa đảo chỉ cần làm ra vẻ thành công và quyền lực là lừa được khối người.