Với tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia
Chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình giảm tải; các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học.
Trong dó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. Đối với môn Ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, đúng kế hoạch; tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng.
Phương pháp ôn tập: Giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; biết cách tham khảo, phân loại các câu hỏi, bài tập trong sách bài tập để luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các loại câu hỏi, bài tập đó.
Với mỗi loại câu hỏi, bài tập cần hướng dẫn học sinh phải suy nghĩ vấn đề, liên hệ với thực tiễn để vừa khắc sâu về kiến thức, vừa thành thạo về kĩ năng vận dụng kiến thức.
Thực hiện ôn tập thành nhiều vòng (vòng 1 ôn cắt ngang từng phần, từng chương, từng chuyên đề; vòng 2 ôn bổ dọc tổng hợp theo bộ đề thi thử).
Nội dung ôn tập trung vào kiến thức trọng tâm, không dàn trải, theo hướng phân hóa của đề thi nhưng không được dạy tủ, đoán đề; không được cho học sinh học thuộc lòng các bài soạn mẫu hoặc dạy lại bài đã dạy. Đảm bảo tiết dạy ôn tập phải hệ thống được các kiến thức đã học.
Chuẩn bị nhiều bài tập, câu hỏi ôn tập cho học sinh làm trước khi đến lớp. Bài tập ra cho học sinh về nhà làm cần có bài tập tự luyện (dạng đã sửa) và bài tập dạng khác, nội dung khác.
Giáo viên làm việc với tất cả học sinh của lớp (không chỉ làm việc với một hoặc vài học sinh trên bảng) trong giờ học. Tổ chức cho học sinh sửa bài lẫn nhau.
Phân tích cho học sinh cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2017; hướng dẫn học sinh phương pháp làm bài thi; rèn kỹ năng cách làm nhanh và nhận diện dạng bài tốt để khi gặp các dạng đề có thể xử lý nhanh nhất (câu dễ làm trước, khó làm sau, trắc nghiệm làm hết; chọn câu đúng; loại trừ câu sai... nhiều điểm dành nhiều thời gian; trình bày chi tiết tránh làm tắt mất điểm, câu hỏi phải có câu trả lời).
Chú ý sử dụng máy tính bỏ túi (giải nhanh đối với câu hỏi trắc nghiệm, kiểm tra kết quả trong giải bài tự luận, ...). Bảo đảm quan hệ thầy trò thân thiện, động viên học sinh học tập.
Kế hoạch và giáo án của giáo viên phải được tổ trưởng phê duyệt, thường xuyên tổ chức dự giờ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Nghiêm cấm các trường hợp giáo viên tự in ấn tài liệu ôn tập riêng để bán cho học sinh hoặc o ép học sinh để dạy thêm.
Lưu ý đối với giáo viên chủ nhiệm
Giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn học sinh lập kế hoạch có thời gian biểu ôn tập phù hợp.
Theo dõi sâu sát nề nếp, tình hình học tập của học sinh để liên hệ phụ huynh một cách kịp thời; làm tốt công tác tư tường đối với học sinh.
Phối hợp tốt với các lực lượng trong nhà trường và phụ huynh học sinh tạo điều kiện giúp đỡ những học có hoàn cảnh khó khăn, các học sinh có học lực yếu.