Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại buổi gặp gỡ giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT, ngày hôm qua 30/7 liên quan đến những vấn đề của
thi THPT quốc gia.
Dự kiến buổi gặp gỡ, trao đổi sẽ kết thúc cuối buổi sáng nhưng đã kéo dài đến tận 5h30 chiều với hàng chục phát biểu của các chuyên gia về ưu, nhược điểm, những vấn đề cần khắc phục sau kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó nổi lên 3 vấn đề lớn nhất đó là chất lượng đề thi; phần mềm chấm thi; quy chế, quy trình kỹ thuật thực hiện.
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị, trường ĐH FPT cho biết hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia thực hiện hai mục tiêu nhưng cả hai mục tiêu đó đều lửng lơ. Vì nếu để xét tốt nghiệp thì kết quả của kỳ thi chỉ có trên 47% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Nhưng thực tế, cả nước có trên 97% thí sinh tốt nghiệp. Vì vậy, kết quả tốt nghiệp phần lớn dựa vào kết quả học THPT 3 năm.
Còn nếu theo mục để xét tuyển ĐH hiện nay có khoảng 3/4 số trường ĐH không coi điểm tốt nghiệp là yếu tố tiên quyết, duy nhất để xét tuyển. “Vậy nếu bỏ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp liệu có ảnh hưởng lớn, gây biến động đối với các trường ĐH, CĐ”, TS. Lê Trường Tùng nêu vấn đề.
TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định kỳ thi là để xét tốt nghiệp nhưng nếu được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm trung thực thì các trường ĐH vẫn sử dụng hoặc sơ tuyển trước khi tổ chức thêm kỳ thi riêng.
Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp nâng cao chất lượng ra đề thi, mở rộng ngân hàng câu hỏi, phát động phong trào các giáo viên đóng góp cho ngân hàng đề… Yêu cầu là đề thi phải ổn định, đạt ngưỡng/chuẩn, đánh giá được đúng kiến thức, năng lực của số đông học sinh để xét tốt nghiệp.
Quy chế thi phải tục sửa đổi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các khâu từ coi thi, thu bài thi, niêm phong bài thi, quét ảnh bài thi đều phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của địa phương và của trường đại học để nếu có vi phạm tất cả phải cùng chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Các chuyên gia cũng đề nghị kỳ thi năm sau sẽ chấm tập trung, theo cụm thay vì chấm ở địa phương.
Tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thống nhất những phân tích về nguyên nhân và hướng khắc phục những vấn đề từ kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Bắt đầu từ công tác ra đề thi, chất lượng đề thi phải chuẩn hoá, bám sát mục tiêu đánh giá chính xác chất lượng giáo dục phổ thông. Về phần mềm chấm thi chưa được chặt chẽ, còn sơ hở dẫn dến gian lận, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện.
Đối với khâu chấm thi, cả trắc nghiệm và tự luận, Bộ sẽ chỉ đạo chấm tập trung, chấm theo cụm, giám sát trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tác động của con người.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề án đổi mới kỳ thi THPT có lộ trình với thời gian cụ thể.