Tôi ấn tượng với tân Bộ trưởng về việc thực hiện kiểm tra năng lực làm cơ sở tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm học 2014-2015. Ở cương vị mới, phía trước có nhiều cơ hội và không ít thách thức. Trong bối cảnh đó xin được gửi đến ông 6 vấn đề về giáo dục phổ thông cần tập trung giải quyết trước mắt.
Đầu tư nâng cao chất lượng các trường vùng khó, chất lượng thấp
Việc đầu tư cho những trường trọng điểm, chất lượng cao được làm từ trước đến nay, còn các trường chất lượng thấp, trường ở vùng khó khăn trong thực tế thường chậm được đầu tư. Từ tiểu học cho đến THPT, số trường có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên vững vàng, chất lượng tuyển sinh đầu cấp khá tốt chỉ tập trung ở vùng trung tâm của xã (phường, thị trấn), huyện (quận). Có khi chỉ cách nhau vài cây số mà chất lượng giáo dục của hai trường khác xa nhau.
Thầy cô và học sinh tại trường chất lượng thấp, vùng khó khăn dạy học trong điều kiện chất lượng không đảm bảo. Sự phát triển kinh tế và xã hội nơi trường tọa lạc đòi hỏi nhà trường có nội dung giáo dục thích ứng. Tiếc là, công tác giáo dục tại đó không theo kịp, năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên, tinh thần trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu. Từ kiến thức đến kỹ năng học sinh còn những “khoảng trống”, tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp, hệ lụy tiếp theo là tệ nạn hút sách, cờ bạc, trộm cướp...
Giải quyết bài toán này đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều ngành, nhưng trước hết giáo dục tại đó cần được đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ. Mỗi môn học phải có giáo viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn vững vàng để hướng dẫn cho số giáo viên trẻ, số giáo viên mà kinh nghiệm và phương pháp còn non. Phòng học, thư viện, sân chơi bãi tập nếu được đầu tư sẽ giúp học sinh tự tin, nề nếp, chăm học hơn, điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng.
|
Học sinh trường THPT Pác Khuông (huyện Bình Gia, Lạng Sơn) phải thuê, mượn đất của người dân dựng lán trọ để tiện đến lớp. Ảnh: Hồng Vân.
|
Phân cấp mạnh cho các cơ sở giáo dục công lập
Các cơ sở giáo dục cần được tự chủ trên các lĩnh vực sau: Biên chế và vấn đề tuyển dụng; Ngân sách được cấp và nguồn thu học phí; Thiết kế hoạt động dạy học và giáo dục trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng hiện nay.
Từng trường, cụm trường dưới sự hướng dẫn của Sở - Phòng Giáo dục triển khai. Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn được hướng dẫn chu đáo cùng với đó là phát triển rộng mô hình có cách làm hay, tổ chức giám sát, kiểm tra kịp thời.
Trước mắt, THCS và THPT dạy học 8 môn văn hóa cơ bản
Bao gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh. Các môn học còn lại như Thể dục, An ninh quốc phòng, Tin học, Nghề phổ thông... nên thiết kế dạy học chuyên đề, học theo dự án và không đánh giá bằng điểm số. Cần chú trọng phát triển ở học sinh ý thức rèn luyện thể chất, các kỹ năng mềm, tinh thần hợp tác, tôn trọng pháp luật... Làm được như thế vừa giảm áp lực cho học sinh, mục đích dạy và học hướng đến phát triển năng lực sẽ định hình rõ.
Chưa đủ điều kiện, các trường chỉ nên dạy học một buổi
Từ tiểu học đến THPT hiện nay có những trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Không thể phủ nhận mặt tích cực của hình thức dạy học này. Song phần lớn các trường hiện nay cơ sở không bảo đảm cho việc học sinh bán trú. Tiểu học, nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em mình, buổi trưa các cháu về nhà cô, chiều tan học tiếp tục về nhà cô học tối. Nên tiếng là 2 buổi/ngày nhưng học sinh phải học tới 4 buổi/ngày.
Sau Thông tư 17/2012 ngày 16/5/2012 của Bộ quy định về dạy thêm, học thêm, việc chấn chỉnh rộ lên theo kiểu phong trào, bây giờ đâu cũng vào đấy. Cần giải quyết vấn đề này bằng biện pháp kiên quyết hơn cùng với đó là giải quyết khâu thi cử, kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực, thái độ, hành vi. Từ năm học sau nên giao xét tốt nghiệp THPT về cho các cơ sở giáo dục.
Giảm bớt số kỳ thi
Ngoài kỳ thi chọn học sinh giỏi, hội thi Khoa học kỹ thuật, Toán - tiếng Anh trên Internet... là các kỳ thi phối hợp giữa ngành giáo dục với các ngành khác. Có những kỳ thi rất hình thức, học sinh sao chép bài của nhau, nhà trường đối phó cho đủ số lượng. Các trường chuyên học sinh và thầy cô chịu áp lực bởi quá nhiều kỳ thi. Thầy trò chỉ chăm vào dạy - học - có giải.
Mục tiêu giáo dục thể chất, phát triển kỹ năng, kế hoạch khởi nghiệp còn mờ nhạt. Bộ Giáo dục cần xác định lại những tiêu chí để tổ chức một kỳ thi trong các cơ sở giáo dục. Xác định tổ chức những kỳ thi nào? Số lượng kỳ thi trong một năm học?
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tư vấn tâm lý học đường
Khó khăn vẫn là con người, kinh phí. Cần tăng phụ cấp cho giáo viên dạy Giáo dục công dân, làm công tác tư vấn cho học sinh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Tình hình hiện nay, nội dung của các hoạt động đó rất quan trọng nhưng ít có giáo viên có kinh nghiệm, uy tín tham gia. Để thu hút, cần tạo điều kiện làm việc, khen thưởng, phụ cấp đặc biệt cho họ.
Sẽ còn những vấn đề khác như bài toán đào tạo bồi dưỡng giáo viên, lương giáo viên, giáo dục đại học... Thế nhưng ai cũng biết những vấn đề đó khó có được những bước phát triển dài, vượt bậc trong khuôn khổ một nhiệm kỳ. Hơn thế, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, là công cuộc lâu dài. 6 vấn đề nêu trên nếu được tập trung giải quyết sẽ tạo những bước phát triển căn bản cho giáo dục phổ thông. Đây là cơ sở để tạo dựng niềm tin trong chính đội ngũ nhà giáo, học sinh, phụ huynh.... Một điểm tựa hết sức cần thiết với tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.