Nhìn tổng quát các thông điệp ở lĩnh vực này của người Việt đều hướng vào việc khuyên thế hệ trẻ tu thân tốt và xử thế khéo. Thông điệp có trong kho tàng ca dao tục ngữ và có từ các lời phát biểu của các nhà văn hóa chính trị xuất sắc của đất nước. Cách nói của người Việt ngắn gọn về câu chữ song lại hàm xúc về ý tưởng và chỉ dẫn hành động. Các thông điệp tạo nên Minh triết Việt về giáo dục & học hành đặc sắc.
Chúng tôi xin trình bày một số tìm hiểu bước đầu về những thông điệp này:
1. Dĩ học vi tiên – Dĩ tài vi bản:
Thông điệp này được vua Quang Trung nêu ra sau khi đại phá quân Thanh lên ngôi Hoàng đế (1789).
Trong chiếu khuyến học có ghi “Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu; tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc” (tìm lẽ trị bình là tìm quy luật làm cho đất nước hưng trị, thiên hạ thái bình). Khi truyền về các công đồng, lời văn trên được cô lại thành 8 từ: “Dĩ học vi tiên -Dĩ tài vi bản” khắc vào các bức hoành phi treo tại các đình làng.
Cần nhấn mạnh rằng ý tưởng tôn trọng hiền tài đã được Đại Việt xác định từ ba thế kỷ trước đó. Lê Thánh Tông, vị minh quân triều Lê (1442 – 1497) qua danh thần Thân Nhân Trung (1418 – 1499) nêu tuyên ngôn sau và khắc vào bia đặt tại Quốc Tử Giám – Văn Miếu:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia
Nguyên khí mạnh thì thế nước cường
Nguyên khí suy thì thế nước hèn”
Trong cuộc hội nhập với thế giới ở thế kỷ XX dòng chảy văn hóa này được phát triển sâu sắc, phong phú hơn.
Cuộc Duy tân giáo dục 1905 ở Quảng Nam được nhà cách mạng Phan Châu Trinh nêu thành tuyên ngôn.
“Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh”
Dân trí được Cụ Phan và những người đồng chí của mình coi là nền móng xây dựng xã hội dân chủ, chấn hưng dân khí rồi từ đó thực hiện cải thiện dân sinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sáng cho dân tộc con đường giáo dục cách mạng ngay sau ngày 2/9/1945 đã có những lời dạy làm phấn khích toàn dân tộc. Người nói:
- Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu (9/1945)
- Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm (9/1945)
- Dân cường thì nước thịnh (3/1946)
- Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái (10/1946)
Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người (9/1958)
Bước vào thời kỳ đổi mới, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”
Những văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước đã khẳng định luận điểm “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực – Bồi dưỡng nhân tài”. Dân trí được xem là yếu tố then chốt cấu thành nhân cách mỗi con người, nhân cách dân tộc, tạo thành bệ phóng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và đội ngũ người tài đức của đất nước.
Người Việt quan niệm: cái cốt lõi của nhân cách là “sống có tình – có nghĩa" (Hồ Chí Minh) – sống có tấm lòng và trách nhiệm. Và con đường phát triển nhân cách được đặt trên cái kiềng ba chân: Tu thân – Xử thế và Dưỡng sinh. (Nguyễn Khắc Viện)
2. Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở
Buổi giao thời hai thế kỷ XX, XXI, trên thế giới quảng bá “Bốn trụ cột của việc học” do Jacques Delors đề xuất.
Người Việt từ bao đời nay đã giáo dục cho con em mình một bộ bốn của việc học qua câu tục ngữ:“Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở”
Học ăn hiểu theo nghĩa rộng là học cách lĩnh hội.
Học nói hiểu theo nghĩa rộng là học cách diễn đạt.
Học mở hiểu theo nghĩa rộng là học cách khai triển.
Học gói hiểu theo nghĩa rộng là học cách kết thúc.
Cuộc sống theo dòng chảy thường nhật và ngày nay trong cuộc hội nhập sâu với thời đại thì bốn điều trên càng quan trọng với phát triển nhân cách. Ngẫm ra từ đứa trẻ lên ba đến cụ già, từ người bình thường đến cán bộ cao cấp đều phải có sự nghiêm cẩn: “Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở”.
Bác Hồ có tới hai lần trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (viết năm 1947) khuyên cán bộ phải chú ý tới bốn việc học trên. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tác phẩm “Về giáo dục và đào tạo” (viết năm 2000) đã nhấn mạnh tầm quan trọng về dạy cho học sinh – sinh viên “Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở” khi đất nước bước vào cuộc đổi mới.
3. “Nên thợ nên thày vì có học
No ăn no mặc bởi hay làm”
Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam Nguyễn Trãi (1380-1442) đã có thông điệp trên đây.
Như vậy là ý tưởng xây dựng một nền giáo dục lao động gắn "Học - Làm" tôn vinh "Người thợ - Người thày" đã được Nhà khai sáng đạo Nho Việt truyền bá trong đời sống dân tộc từ thế kỷ XV.
Trong “Quốc âm thi tập” (bài XXIII) Nguyễn Trãi còn nhắc nhở:
“Có đức thì hơn nửa có tài”
“Tích đức cho con hơn tích của
Đua lành cùng thế mượn đua khôn”
Đáng tiếc là về sau Đạo Nho ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Tống Nho đã đi vào từ chương khoa cử khi nhấn mạnh:
“Vạn ban giai hạ phẩm
Duy hữu độc thư cao”
(mọi công việc đều tầm thường, chỉ đọc sách là cao quý)
Tuy nhiên cuối thế kỷ thứ XIX, một số nhà Nho tiến bộ đã nhận ra sự tiêu cực của xu hướng này, họ hô hào canh tân việc học, lấy thực học thực nghiệp làm trọng.
Nguyễn Tư Giản (1823-1890), Hoàng Giáp, Thượng thư Bộ Lại thời Tự Đức đã phát biểu: kẻ sĩ cũng phải tham gia vào việc đồng áng, bởi vì “ngồi mà ăn không là xấu”, “ngồi không làm lụng thì chân tay lười biếng, thân thể bạc nhược”, “nhà trường không chỉ dạy cho người ta hư văn mà phải cung cấp cái học hữu dụng, phải vừa học vừa biết làm việc, kết hợp “Tri và Hành”.
Nguyễn Trường Tộ (1830-1874), viết: “Học là gì, học là học cái chưa biết để mà biết. Biết để mà làm việc. Làm tức là làm công việc thực tế trong nước hiện nay và để hữu dụng cho đời sau mãi mãi”.
Bước vào nền giáo dục cách mạng, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta đã xây dựng được nguyên lý giáo dục theo phương châm:
· Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất
· Học đi đôi với hành
· Lý luận gắn liền với đời sống thực tế.
Bác Hồ lấy ý tưởng: Bác học, Thâm vấn, Thận tư, Minh biện, Đốc hành nêu thành phương châm 4H:“Học – Hỏi – Hiểu – Hành”.
Người nhấn mạnh:
“Học với hành phải đi đôi
Học mà không hành thì học vô ích
Hành mà không học thì hành không trôi chảy”
Người yêu cầu thế hệ trẻ phải phấn đấu có Tri thức hoàn toàn. Người dạy:
“Một người học xong đại học có thể gọi là có tri thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm những việc khác. Nói tóm lại công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có tri thức một nửa. Tri thức của y là tri thức học sách chứ không phải là tri thức hoàn toàn. Y muốn thành người tri thức hoàn toàn thì phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế”.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 235
Trong bút tích ghi ở trang đầu Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc – nay là Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 9/1949, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học để làm việc, làm người ... ”.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 684
Bốn trụ cột của việc học mà Jacques Delors nêu ra khi nhân loại bước vào Thế kỷ XXI, bao gồm: “học để biết, để làm, để chung sống, để làm người” đã được thể hiện trong dòng chảy Minh triết Giáo dục Việt.
4. “Cái nợ khác có thể trả được
Cái nợ “Học” là cái nợ chung thân”
Ông Thượng Chi (1892 – 1945), một nhà văn hóa Việt xuất sắc đã có lời bàn trên từ những thập niên đầu của thế kỷ XX.
Ở bối cảnh hiện nay đọc lời văn của ông càng gợi cho ta nhiều cảm xúc. Điều ông nói có trong thông điệp “Học suốt đời”.
Sinh ra và sống ở trên đời, mỗi người đều có “Nợ đời”. Muốn làm người xứng đáng với đời thì phải học để trả món nợ này. Chính vì vậy "cái nợ học là cái nợ chung thân".
Minh triết sống phương Đông thường căn dặn con em bốn điều: “Tu – Tề - Trị - Bình” (tu dưỡng bản thân, lo liệu cho gia đình yên vui phát đạt, biết hành động góp phần làm cho đất nước hưng trị, thiên hạ thái bình).
Để làm được bốn điều trên thì phải “Học”.
Trên một số sách báo khoa học giáo dục nước ta hiện nay có thông điệp: “Giáo dục thường xuyên – Đào tạo liên tục – Học tập suốt đời”. Thông điệp có hàm ý yêu cầu con người không ngừng làm cho bộ ba: “con tim, đôi tay, bộ óc” được hoàn thiện để thích ứng với dòng chảy cuộc sống đang phát triển mạnh mẽ. Học tập suốt đời vừa hiểu theo nghĩa trực diện cho bản thân, vừa hiểu theo nghĩa rộng. Đó là quá trình để con hơn cha là nhà có phúc (Lời dạy của Bác Hồ- 1961).
5. “Học đi chỉ có một năm,
Học dừng học đến mòn răng chưa thành”
Đây là câu ca dao mà bà mẹ Việt Nam ru con từ lúc nằm nôi. Các nhà nho dạy kẻ sĩ “Tri túc bất nhục – Tri chỉ bất đãi” (biết đủ chẳng nhục, biết dừng chẳng nguy). Ứng xử hiện đại thường yêu cầu con người “Tri độ”, “Tri giới hạn”. Tất cả các điều nêu trên đều có hàm ý khuyên con người biết chừng mực, biết tiết độ trong cuộc sống.
Con người vốn mang ba đặc trưng xấu: “Tham – Sân – Si”. Cuộc sống tiêu thụ hiện đại càng có chiều hướng đẩy con người từ tham vọng đến tham bạo. Lời ru con của bà mẹ Việt Nam như một lời nhắn nhủ sâu sắc: "Học đi" là cần, song có phần nào dễ hơn "Học dừng". Đây là công việc học cả đời mà chưa chắc đã trọn vẹn. "Dừng" không phải là “đứng yên lại”. Đó là lúc tìm một khoảng tĩnh lặng chuẩn bị bước tiến xa hơn, mạnh hơn.
Tiếp thu lời khuyên: “Thái quá là dở mà bất cập thì cũng chẳng hay gì!”, trước cuộc sống tiêu thụ hiện nay, người Việt nhắc nhở chính khách: chớ có tăng trưởng GDP vô độ, một sự “tăng trưởng” làm mất tương lai, sự tăng trưởng mà “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Còn ở gia đình người Việt khuyên sự ứng xử:
"Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê"
6. Đại học chi đạo – Tại minh minh đức– Tại thân dân
Ngày 21/7/1956 đến nói chuyện với tri thức Thủ đô tham gia một khóa huấn luyện chính trị, Bác Hồ có lời tâm tình: Theo ý riêng tôi thì hạt nhân ấy (hạt nhân của việc tu dưỡng) có thể tóm tắt trong 11 chữ “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Bác nói thêm:“Nói tóm lại, minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết. Nói một cách khác tức là :
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu
Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”
(Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ)
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 215
Bác Hồ đã lấy ý “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân” trong sách “Đại học” để nói câu trên (Con đường học rộng lớn, đi trên con đường này phải có đức sáng và lý tưởng đổi mới).
Tân dân bằng việc làm mới nhân dân là một ý tưởng tích cực của Nho gia. Cái tài tình của Hồ Chí Minh là thêm một chữ “H” vào từ “Tân” thành “Thân” đã làm cho thông điệp được "Việt nam hóa" biểu thị lẽ sống của dân tộc trong thời đại mới.
“Thân dân”: đem bản thân mình phục vụ nhân dân, tạo cho thông điệp nhân văn hơn, đằm thắm hơn. Có thể nói mục tiêu “Phục vụ nhân dân” là nguyên tắc cốt lõi vĩnh hằng của việc học mà Bác Hồ nhắn nhủ thế hệ trẻ.