Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình gặp gỡ giáo viên
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại chương trình gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên diễn ra hôm nay (15/8).
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước có gần 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp từ mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Đây là lực lượng hùng hậu, vốn rất quý của ngành để hoàn thành các mục tiêu to lớn, vẻ vang mà ngành giáo dục đặt ra, Chính phủ giao phó.
Lãnh đạo Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp; nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
Giáo viên phải có năng lực, kỹ năng mới để sử dụng hết quyền chủ động
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ những mong đợi với đội ngũ nhà giáo cả nước. Trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, đây là cơ hội lớn của ngành. Dù chương trình mới còn có những điểm cần điều chỉnh nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực.
"Đây là phương thức để đổi mới toàn diện, thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất. Những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mời. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.
Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới.
Cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo chúng ta từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tụ hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng thay đổi lớn của Chương trình GDPT 2018 nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất cần thay đổi từng thành tố, từng môn học, thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.
"Mới đây tại Hội nghị toán học toàn quốc tôi có trao đổi với các nhà Toán học về đổi mới dạy và học môn Toán ở bậc phổ thông. Đây là thay đổi tư duy chứ không chỉ mải miết dạy cho học sinh giải Toán. Chúng ta phải đổi mới giáo dục môn Ngữ văn, lấy đó làm công cụ để phát triển vể tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ, thái độ của học sinh. Chúng ta phải đổi mới các môn học, nhất là những môn học mới, môn học chăm chút cho sự phát triển toàn diện. Sự thay đổi của từng môn học cụ thể ấy gộp lại sẽ mang lại sự thay đổi thực sự theo chiều sâu trong giáo dục", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng SGK từ chỗ dạy phải theo, học theo, kiểm tra theo SGK sang hướng sử dụng SGK là học liệu – cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng cần sử dụng một cách chủ động, không lệ thuộc, linh hoạt. Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về SGK thì không đạt được sự đổi mới. Qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào SGK.
Giáo viên trong các cơ sở GDPT cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Trong chương trình GDPT mới, giáo viên được nhiều quyền hơn, chủ động hơn. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá – điều này vốn chưa từng có trước đây. Khi được trao quyền chủ động cũng yêu cầu giáo viên phải có năng lực, kỹ năng mới để sử dụng hết quyền chủ động đó được. Với trường học mang tính mở, giáo viên cần tham gia cùng nhà trường xây dựng kế hoạch nhà trường, quyết định lựa chọn sách giáo khoa… Việc này các trường ngoài công lập đang làm tốt hơn các trường công lập.
Hiệu trưởng phải là người chỉ huy trong việc đổi mới
Trong công cuộc đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hiệu trường, người đứng đầu trường phổ thông: "Hiệu trưởng là người chỉ huy, trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ. Rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán… việc đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới.
Trong sự đổi mới muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi giáo viên cần được phát huy, để làm được điều đó, hiệu trưởng rất quan trọng. Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Tôi mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường".
Riêng với các thầy cô giáo bậc mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là nhóm khó khăn lớn, vất vả nhiều, thiệt thỏi nhiều nhưng thu nhập lại ít. Chắc chắn trong thời gian tới Bộ GD- ĐT sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách với giáo viên mầm non. Bộ cũng sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Bộ cũng đã và đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa với mục tiêu những đổi mới của ngành không làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Bộ GD-ĐT cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai, sửa đổi trong Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp...