Phát biểu trước giảng viên, sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chiều ngày 13/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đang rấp rút chuẩn bị đội ngũ giáo viên để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu trước giảng viên, sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chiều ngày 13/4
Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ đào tạo, trong đó cần chú trọng đến sứ mệnh đào tạo sư phạm kỹ thuật, nhất là khi sắp tới giáo dục phổ thông có những đổi mới.
Bộ trưởng Nhạ chia sẻ: “Tới đây có chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo lại lẫn đào tạo mới đội ngũ giáo viên cho các môn học có tính chất hướng nghiệp, thực nghiệp, kỹ thuật công nghệ sẽ nhiều hơn. Theo dự kiến, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn học tự chọn và các môn học về kỹ thuật công nghệ sẽ nhiều hơn. Do đó sẽ đặt ra vấn đề là nhiệm vụ chương trình hay nhưng ai sẽ là người giảng dạy? Bộ GD-ĐT đang khẩn trương giải quyết vấn đề này”, ông Nhạ nói.
Theo Bộ trưởng Nhạ, trước hết, khi áp dụng chương trình mới này, nhiều giáo viên đang dạy THPT, THCS sẽ phải được bồi dưỡng, đào tạo lại, vì theo chương trình, một số môn phải tích hợp. Vậy thì phải rà soát, đào tạo lại đội ngũ này như thế nào để thích ứng với nhiệm vụ giảng dạy nội dung chương trình mới? Bộ sẽ đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũ từng bước đạt chuẩn và đào tạo đội ngũ giáo viên mới phục vụ cho chương trình mới. Nếu không thực hiện ngay từ bây giờ thì khi thực hiện chương trình mới sẽ rất bất cập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan các sáng kiến của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng không ai khác, các giáo viên sẽ là người thực hiện chương trình mới này. “Muốn có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn thì phải bồi dưỡng từ giờ để 4 năm sau mới có đội ngũ hoàn chỉnh. Nếu không làm đồng bộ, đồng cấp thì chương trình và sách giáo khoa mới có rồi mà đội ngũ giáo viên chưa có thì việc đổi mới sẽ rất khó khăn. Đây là một nhiệm vụ mà tôi xét thấy trách nhiệm của trường sư phạm kỹ thuật là rất lớn”, ông Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM định hướng sâu về nghiên cứu ứng dụng thì đòi hỏi công nghệ, thực tiễn phải cao. Thời gian qua trường đã đi đúng hướng nhưng nên rà soát lại các ngành nghề đào tạo cho phù hợp hơn. Không có một trường ĐH nào trên thế giới giỏi tất cả mà sẽ chọn 5 - 7 ngành nghề có tính chất cốt lõi, trở thành thương hiệu của trường mỗi khi nhắc đến.
Bên cạnh đó, ở nhiệm vụ đào tạo công nghệ kỹ thuật thì nhà trường cần chú ý đến yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thích ứng với thị trường lao động trong thời gian tới.