- Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả của ngành giáo dục trong năm qua?
- Năm 2016, ngành đã làm được một số việc như ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia.
Để góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, ngành đã bổ sung và hoàn thiện Thông tư 22 trên cơ sở Thông tư 30.
Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới quy chế đào tạo tiến sĩ hay Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
Đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm sau theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.
Quy chế thi và tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp các địa phương, nhà trường đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.
Năm 2016, chúng ta có 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, đều mang về huy chương vàng và cũng tổ chức thành công kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.
|
Phát biểu của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ về quản lý trong nhà trường. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
|
- Năm 2016, những vấn đề gì của ngành chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội?
- Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục còn những hạn chế, chưa làm được. Việc xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục đào tạo còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành.
Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt.
Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
- Chất lượng giáo dục đại học bị xem là "có vấn đề", chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội. Năm 2017, Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học?
- Năm tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp.
Riêng với giáo dục đại học, bộ sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.
Từ đó, chúng ta quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp nhu cầu nhân lực của đất nước.
|
Bộ trưởng quan niệm, giáo dục phải tạo được môi trường tốt để mọi người học tập suốt đời theo triết lý học để biết, học để làm việc, học để sống với nhau và học để làm người. Đồ họa: Tuấn Dũng. |
Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.
Năm 2017, ngành giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.