Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo đạt chuẩn về trình độ theo quy định. Đồng thời đào tạo bổ sung số giáo viên thay thế giáo viên nghỉ hưu khoảng 130.000 người, đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm khoảng 60.000 người.
Đề án cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được chuẩn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để đạt được mục tiêu này, ngành Giáo dục và Đào tạo cần rà soát quy hoạch lại cấu trúc các trường đào tạo giáo viên.
GS Báo nói: “Bây giờ đã khác, giáo viên hiện nay về mặt số lượng không phải là một nhu cầu cấp bách nữa mà nhu cầu về chất lượng làm chính. Cho nên để nâng cao chất lượng thì hệ thống sư phạm phải được cấu trúc lại theo hướng tạo ra những trường sư phạm, những cơ sở đào tạo giáo viên vừa đào tạo vừa nghiên cứu khoa học sư phạm đủ lớn mạnh.
Chúng ta phải đi theo hướng giảm bớt các cơ sở đào tạo giáo viên, để thiết kế những trường sư phạm đủ mạnh, mạnh cả về đầu tư, về tài chính và cơ sở vật chất. Những trường yếu gom lại để thành các trường lớn hơn. Ví dụ như trường cao đẳng Hà Nam hiện nay xác nhập với Đại học Sư phạm Hà Nội. Tức là trường cao đẳng trở thành các mục Cambridge một phân hiệu của một trường lớn”.
Theo thống kê, hiện cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Do trước đây thiếu giáo viên nên để đáp ứng đủ nhu cầu các địa phương đều mở trường sư phạm từ trung cấp, cao đẳng cho đến đại học, mỗi tỉnh có 1 trường hoặc là cao đẳng hoặc là trung cấp sư phạm, thậm chí có tỉnh có tới 2 trường vừa cao đẳng vừa trung cấp. Tuy có nhiều cơ sở đào tạo, phân bố phạm vi rộng nhưng quy mô đào tạo nhỏ dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải.
Nhiều trường sư phạm phát triển không ổn định, năng lực và quy mô đào tạo vượt quá khả năng. Một số trường không tuyển đủ đầu vào nên đã hạ điểm đầu vào rất thấp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giáo viên./.