Nhiều chuyên gia nhận định chương trình giáo dục mới nặng nề, ôm đồm. Ảnh: Hải Nguyễn.
Ngoài việc nhận định tính thiếu khả thi của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới về điều kiện liên quan, thời gian thực hiện, các chuyên gia tham dự Hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức cũng cho rằng số lượng giờ học lên tới hàng nghìn tiết với hàng chục các môn học và hàng nghìn sự lựa chọn đang khiến chương trình học trở nên ôm đồm, cồng kềnh và quá sức với thực tế.
Trong lần thay đổi chương trình giáo dục này, kỳ vọng được xã hội đặt ra là việc sắp xếp lại các môn học hợp lý, tránh dàn trải, giảm tải chương trình và có tính tập trung, hướng nghiệp cao cho học sinh.
Thế nhưng, các môn học được đưa ra trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố dường như chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng này.
Nhiều chuyên gia nhận định tổng số môn học dường như quá “đồ sộ” và số tiết học cũng quá lớn. Thậm chí, học sinh lớp 10 có tới 15 môn học bắt buộc và tự chọn bắt buộc, chưa tính 2 môn tự chọn. Tổng số tiết trong một năm học từ 985 tiết đến 1.184 tiết học.
TSKH Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học - nhìn nhận: Có cảm giác chương trình này bị ám ảnh bởi nghị quyết, chính sách nên đã đặt ra quá tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính.
Ở tiểu học số lượng môn học không giảm mà những môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... khối lượng thời gian chiếm tới hơn 1/3 thời gian tiểu học. Trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học sinh chỉ cần nắm được kiến thức sơ đẳng nhất.
Đồng ý với quan điểm trên, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng chương trình tiểu học phải hết sức ổn định và căn cơ nhất, không thể học đủ các thứ trên đời.
TS Nguyễn Anh Dũng (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) lại nhìn nhận chương trình học ở cấp THCS và THPT nếu học 29-30 tiết/tuần thì số lượng giờ cũng chiếm hết thời gian của một tuần, không còn thời gian dành cho sinh hoạt trường, lớp, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục - đã giật mình khi xem thứ tự môn học trong hệ thống môn học mà dự thảo đưa ra, các môn giáo dục an ninh, quốc phòng được đặt lên trước một số môn khác.
“Điều này khiến tôi có cảm giác chúng ta dạy học sinh... hiếu chiến quá!”, bà Phương cho hay.
Có ý kiến tương tự, GS Ngô Việt Trung cho rằng định hướng chương trình đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý. Cũng theo GS Trung, ở bậc tiểu học chỉ nên dạy học sinh những thứ sơ đẳng, chứ như dự thảo thì ôm đồm quá.
|
Yêu cầu về phẩm chất và năng lực của công dân mới.
|
Bên cạnh đó, theo chương trình, học sinh được học tập, rèn luyện theo chân dung của người công dân mới cần hình thành, phát triển ở học sinh 6 phẩm chất chính và 10 năng lực cốt lõi. 6 phẩm chất chính là: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
Về năng lực, đó là những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Trong đó, 3 năng lực chung mà môn học và hoạt động giáo dục nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho học sinh, gồm năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng chương trình được xây dựng theo hướng mở nhưng việc thực hiện được nêu trong dự thảo chưa đảm bảo được tính mở này.
Về phẩm chất năng lực, ở đây mới chỉ liệt kê được những năng lực gì và biểu hiện của nó ra sao. Biểu hiện chỉ là cơ sở để đánh giá phẩm chất năng lực chứ chưa phải là điều cần đạt về năng lực, ông Tiến nhấn mạnh.
“Làm thế nào để đạt được các phẩm chất, năng lực này?", đây là một câu hỏi lớn, chương trình được đưa ra không giải đáp được vấn đề đó. Các định hướng về nội dung các môn học không nêu lên được cách đi tới các phẩm chất, năng lực đó.
Các nhà viết nội dung chương trình học cần làm rõ điều này, học môn này thì xây dựng những phẩm chất năng lực nào. Vì ngày nay, việc xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực, cần làm rõ mối quan hệ nặng, nhẹ giữa từng năng lực chung với từng môn học/hoạt động giáo dục. Có như vậy mới định hướng được về kết quả đầu ra”, ông Tiến phân tích.