Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã tập trung vào mảng hoạt động của các trường đại học.
Theo báo cáo thống kê, hiện Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý 12,5% tổng số trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Đến nay, hầu hết các trường đều đã lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ quy chế làm việc, quy chế tài chính, quy chế bổ nhiệm, thi đua khen thưởng… và tổ chức họp định kỳ để đánh giá. Đảm bảo dân chủ, theo đó, là cách tốt nhất để kiểm tra giám sát, nhất là về trách nhiệm người đứng đầu trường.
Kết quả trực tiếp nhất của hoạt động này, thể hiện ở số đơn thư khiếu tại tố cáo vượt cấp trong khối các trường này đã giảm từ 32 đơn năm 2015 xuống còn 16 đơn trong năm 2016. Nhìn chung, việc thực hiện quy chế dân chủ thời gian qua đã tạo ra chuyển biến, phát huy được quyền làm chủ của nhà giáo, của chủ cơ sở giáo dục, động viên được tinh thần, năng lực, nâng cao năng lực phẩm chất, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động giáo dục…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng chỉ ra những điểm hạn chế cơ bản như: Qua kiểm tra, một số trường chưa phát huy được vai trò của cấp uỷ, của Đảng viên, người lao động; Quy chế xây dựng của nhiều trường còn hình thức, dù có quy chế nội bộ chi tiết nhưng công tác cán bộ không thực sự tuân thủ; Quy chế chi tiêu nội bộ chưa được cập nhật bàn bạc dân chủ ở một số trường; Hoạt động của ban thanh tra nhân dân chưa hiệu quả. Hoạt động của công đoàn trường cũng còn sơ xài, chất lượng chưa cao…
Việc lập Hội đồng trường để ngăn chặn hiện tượng độc đoán, mất dân chủ nhưng thực chất là vẫn ít trường lập được Hội đồng trường (mới có 16 trường lập), hoặc lập rồi hoạt động cũng còn hình thức; Chức năng của Hội đồng trường với Ban giám hiệu cũng còn chưa phân định rạch ròi, chưa rõ cơ chế; Một số cơ sở vẫn xảy ra mất dân chủ, cá biệt vẫn xảy ra vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa báo cáo tại Hội nghị |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận những hiểu hiện thiếu dân chủ khi trả lời một số câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, như việc: Trường Đại học Ngoại thương có khiếu kiện kéo dài đúng là một trong những nguyên nhân cơ bản là do mất dân chủ tại cơ sở, người đứng đầu không đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ. Nhưng nhìn chung, phần lớn các trường đại học thực hiện tốt quy chế, số trường không làm tốt là thiểu số, không nhiều.
Về sự vụ nổi cộm vừa qua ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, nếu từ đầu khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng trường nhận lỗi, trao đổi với học sinh, xử lý kịp thời thì việc đã không thành chuyện lớn. Nhưng thực tế hiệu trưởng không trung thực, cố giấu lỗi, rồi bắt giáo viên, học sinh trong trường xác nhận cho việc sai sự thật, áp dụng cách thăm dò ý kiến để phát huy dân chủ ở cơ sở nhưng lại là mất dân chủ. Đây là bài học kinh nghiệm về dân chủ, về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.
Cũng liên quan đến việc thành lập Hội đồng trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra câu hỏi với Bộ LĐTB&XH: Trong số 409 trường cao đẳng trực thuộc đơn vị, bao nhiêu trường đã lập Hội đồng trường? Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, đại diện Tổng Cục dạy nghề nêu con số 30% số trường đã lập nhưng hoạt động cũng còn hình thức. Còn số trường từ Bộ Giáo dục chuyển sang thì Tổng Cục dạy nghề chưa nắm được.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những nội dung quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ: Việc thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước nhưng trước hết của các cơ cấu lãnh đạo, của cán bộ, giáo viên nhà trường, tùy từng mức là của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” ngoài thi cử, sách giáo khoa thì một trong những mũi phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý, thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở.
Nhưng thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo có những đặc thù không giống ở phường, xã, và trường ĐH, CĐ cũng khác với trường phổ thông, tiểu học, mầm non. Đây là vấn đề cần phải lưu ý.
Với hơn 20 triệu học sinh cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm tham gia. Cùng với đó là sự cần thiết phải xây dựng có cơ chế đánh giá, giám sát đo, đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học.
“Đây là việc rất quan trọng, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo; học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Chúng ta phải có cơ chế cụ thể chứ giám sát chung chung thì không được” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng về cơ bản văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở đã tương đối đầy đủ và vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, mà nguyên nhân chính là chúng ta không công khai, minh bạch thông tin.
Sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH phải ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng các quy chế hoạt động; công khai, báo cáo minh bạch những thông tin này để cơ quan quản lý nhà nước nắm được, để học sinh, phụ huynh, cộng đồng cùng giám sát.