Năm 2016, các thí sinh có 3 hình thức đăng ký xét tuyển như:
- Đăng ký xét tuyển trực tuyến
- Đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện
- Đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường
Trong đó, hình thức đăng ký trực tuyến đang được Bộ GD&ĐT cũng như các trường kỳ vọng sẽ được thí sinh quan tâm để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí.
Điểm mới trong đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2016 đó là nếu đăng ký trực tuyến, các thí sinh đăng ký qua website của Bộ GD&ĐT http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn
Để có thể đăng ký được trực tuyến, thí sinh phải có các điều kiện:
1. Mã số dự thi của mình (nếu thí sinh quên thì cần lên sở GD&ĐT của mình để xin lại)
2. Số chứng minh thư nhân dân
3. Số điện thoại di động liên hệ
4. Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và các trường muốn đăng ký đã đẩy dữ liệu của trường lên mạng.
Thí sinh không có cơ hội đăng ký lại
Theo dự kiến, từ 25/7 đến 30/7, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký thử bằng phần mềm trực tuyến mới này và nếu có vướng mắc sẽ điều chỉnh. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng phần mềm này rất tiện. “Tôi tin rằng sẽ có khoảng 80% thí sinh sẽ đăng ký bằng hình thức này. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, rất có thể lượng thí sinh đăng ký sẽ tăng lên. Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán phương án giảm tải” - ông Điền cho hay.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, số lượng thí sinh đăng ký trực tuyến sẽ không như Bộ GD&ĐT kỳ vọng. “Vào ĐH là sự kiện trọng đại của mỗi gia đình. Do đó, nhiều phụ huynh và ngay cả các thí sinh sẽ không yên tâm khi không được trực tiếp đến trường nộp phiếu đăng ký hoặc gửi qua bưu điện” - ông Lập nghi ngại.
“Sau khi khai xong phiếu, khi ấn câu lệnh gửi đi, lập tức sẽ được hỏi một lần nữa để khẳng định quyết định của thí sinh là quyết định cuối cùng. Do đó, nếu thí sinh đã ấn nút gửi, mọi thông tin sẽ không thể sửa được nữa. Thí sinh có muốn đăng ký lại cũng không được. Dữ liệu sẽ được lập tức gửi về máy chủ” - ông Điền cho biết.