Cách đây hai năm tôi có dịp làm việc cùng Giám đốc bản quyền Viện xuất bản PHP, thuộc Tập đoàn Panasonic, Nhật Bản. PHP là cụm từ viết tắt của “Peace and Happiness through Prosperity”, có nghĩa “Hạnh phúc – Hòa bình đến từ Thịnh vượng”. Tuy nhiên, như ngài giám đốc bản quyền Viện xuất bản PHP giải thích thêm, đó chỉ là sự bắt đầu. Thịnh vượng phải được gieo mầm từ Tri thức. Và để nuôi dưỡng Tri thức, hãy bắt đầu từ trẻ em.
Định hướng xây dựng nền tảng tri thức quốc gia bắt đầu từ trẻ em như là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hàng trăm năm qua ở đất nước mặt trời mọc. Dù chính đảng nào lên cầm quyền, dù nội các có thay đổi ra sao, chính sách này hầu như không thay đổi.
|
Ngay từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã có những chính sách khuyến đọc cho trẻ em. Ảnh: T.L. |
Quay trở lại những năm tháng sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, trên những con đường và khu phố vẫn còn những ngôi nhà đổ nát do chiến tranh, nhưng các nhà xuất bản, các nhà phát hành và các thư viện công cộng… đã tổ chức “Tuần đọc sách” đầu tiên sau chiến tranh vào tháng 11/1947 với thông điệp: Xây dựng một quốc gia yên bình và có tri thức bằng cách đọc sách.
Sau Hiệp ước San Francisco, chính phủ Nhật Bản đã tổ chức “Tuần đọc sách cho trẻ em” từ ngày 1/5 đến ngày 14/5/1959.
Đến năm 1999, Quốc hội Nhật quy định năm 2000 là “Năm đọc sách cho trẻ em”, trong đó “Tuần đọc sách cho trẻ em” kéo dài từ 23/4 đến 12/5 hàng năm. Chuỗi hoạt động này nhằm khuyến khích những hoạt động đọc sách cho trẻ, công nhận giá trị không thể thiếu của thói quen này.
Tiếp nối tinh thần của “Năm đọc sách cho trẻ em”, tháng 12/2001, Đạo luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em được Quốc hội Nhật Bản thông qua. Đến tháng 7/2005 Quốc hội Nhật tiếp tục thông qua Đạo luật khuyến khích văn hóa đọc. Dự luật này được Liên minh văn hóa đọc giới thiệu. Liên minh này có 286 đại diện và nghị sĩ trong Quốc hội. Đạo luật này nhấn mạnh “văn hóa đọc là cần thiết cho sự phát triển của một xã hội dân chủ, trong đó kiến thức và tri thức có tầm quan trọng tối cao”.
Năm 2010 Quốc hội Nhật Bản ra nghị quyết là “Năm đọc sách quốc gia”, đồng thời gửi đề xuất tới Liên Hiệp Quốc coi năm 2010 là “Năm đọc sách quốc tế cho trẻ em”. Kế hoạch này nhằm: (1) Nâng cao văn hóa đọc sách tổng thể ở nhà trường và ở nhà;… (2) kiểm tra chính thức khả năng ngôn ngữ để hỗ trợ khả năng đọc hiểu của trẻ…; (3) khảo sát lại hệ thống thư viện công cộng. Cũng trong năm 2010 Thư viện văn học cho trẻ em được thành lập. Nó là chi nhánh của Thư viện Quốc hội Nhật Bản.
Song song với “Năm đọc sách quốc gia”, chính phủ Nhật Bản thực hiện “Dự án Khởi động đọc sách”. Dự án này triển khai tại các trung tâm y tế. Bất kỳ một phụ nữ nào đưa con đến khám đều được phát miễn phí hai quyển sách tranh và một tài liệu hướng dẫn “khởi động đọc sách”. Ở Nhật, khi phụ nữ làm mẹ, họ luôn được các chuyên gia tư vấn là hãy nói chuyện với trẻ bằng cách đọc sách.
Trước đó, năm 1998, một giáo viên đã khởi xướng hoạt động đọc sách buổi sáng tại trường. Ý tưởng này nhanh chóng được các học sinh và thầy cô đón nhận nồng nhiệt. Đến nay đã có hàng vạn ngôi trường, hàng triệu học sinh ở Nhật Bản thực hiện hoạt động này mỗi sáng nhằm xây dựng thói quen đọc sách.
|
Tri thức phải bắt đầu từ trẻ em và bắt đầu từ việc xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em. Ảnh: Việt Hùng. |
Đầu năm nay tôi có dịp gặp lại ngài giám đốc bản quyền Viện xuất bản PHP. Câu chuyện giữa chúng tôi lại bắt đầu từ sách. Trong câu chuyện tôi có ngỏ ý xin ông một lời tư vấn, là nếu “khởi nghiệp” trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam hiện nay, nên bắt đầu từ thể loại sách gì? Gần như không cần suy nghĩ, ông trả lời: "Sách cho trẻ em".
Là một quốc gia đang trong thời kỳ dân số vàng với hàng chục triệu gia đình hạt nhân, Việt Nam là thị trường xuất bản đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong chiến lược xây dựng nền tảng tri thức quốc gia với lời khuyên: hãy bắt đầu từ trẻ em, chúng ta phải làm gì, chúng ta sẽ làm gì để trẻ em Việt Nam không “đói sách”, không “khát sách”, đề chuẩn bị cho một tương lai mà thế giới sẽ vận hành bởi “nền kinh tế dựa vào tri thức”, “nền kinh tế sáng tạo”, mà ở đó, trẻ em hôm nay sẽ là chủ nhân của thế giới ngày mai.