Theo bà Yến, điểm chuẩn ĐH Y Hà Nội năm ngoái ngành Bác sĩ Đa khoa 27,75; Răng hàm mặt 27; Y học cổ truyền: 25; Y học Dự phòng 24; Cử nhân xét nghiệm Y học 24.25; Cử nhân Điều dưỡng 24; Cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa 23,75; Cử nhân Dinh dưỡng 23 và Cử nhân Y tế Công cộng 23.
Vì thế, dự kiến điểm trúng tuyển có lẽ bằng hoặc thấp hơn so với năm ngoái. Nếu thí sinh có điểm gần bằng điểm chuẩn Bác sĩ Đa khoa năm ngoái, các em hãy mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký học ngành Bác sĩ Đa khoa đào tạo tại Thanh Hóa (Trường có quy định điểm chuẩn thấp hơn).
Bà Yến cũng đưa ra lời khuyên, thí sin cần sáng suốt lựa chọn, nếu kết quả thi ở những top đầu thì nên nộp sớm để các trường có thể dự đoán được điểm chuẩn: “Nếu điểm thi ở mức thấp nên chọn những ngành có điểm chuẩn của năm ngoái hoặc những năm gần đây tương tự như điểm thi của các em”.
Năm nay, Đại học Y không công bố danh sách trúng tuyển tạm thời nên thí sinh phải hết sức lưu ý. Khác với mọi năm, thí sinh nộp hồ sơ không được rút ra nên cần sáng suốt lựa chọn.
Bà Yến thông tin, Trường ĐH Y Hà Nội đào tạo hai hệ, hệ bác sĩ 6 năm, hệ cử nhân 4 năm. Để trở thành Bác sĩ Đa khoa ra trường có thể làm việc được, ngoài 6 năm học tại ĐH Y Hà Nội, các em cần bổ sung kiến thức ít nhất 18-24 năm mới có thể hành nghề được. Tổng cộng học sinh mất ít nhất 8 năm.
Chương trình học hệ Bác sĩ hai năm đầu các em học các môn học cơ bản và y học cơ sở. Từ năm thứ 3 trở đi, các em bắt đầu học tại các bệnh viện và học các môn chuyên ngành. Hầu hết các môn chuyên ngành đều có thực hành.