Thống kê do Trường ĐH FPT thực hiện trên dữ liệu của 115 cụm thi 62 tỉnh/thành, trong đó tính điểm bình quân của từng cụm thi và từng địa phương theo từng môn thi.
Điểm Lào Cai cao hơn TP.HCM, Hà Nội?
Theo tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, khi nhìn vào kết quả thi được thống kê bình quân theo địa phương, cảm giác đầu tiên của ông là “không lý giải được”. Trong các “bảng xếp hạng”, một mặt các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã chiếm lĩnh hết các vị trí cao nhất (trên cả Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh giàu truyền thống học hành miền Trung). Mặt khác, có nhiều địa phương tưởng như chất lượng giáo dục phổ thông thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước nhưng hóa ra kết quả thi lại khá cao.
Ông Minh cho biết đặc biệt khi so sánh kết quả thi môn ngoại ngữ. “Ai cũng nghĩ học sinh ở các thành phố lớn giỏi ngoại ngữ hơn các tỉnh nông thôn, đặc biệt là vùng khó khăn, miền núi. Nhưng kết quả thống kê cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược. Những tỉnh có điểm bình quân ngoại ngữ cao nhất lần lượt là Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bạc Liêu. Sau đó mới đến TP.HCM, Hà Nội ở vị trí 13, sau Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bắc Kạn. Đà Nẵng xếp sau Hà Nội vài bậc. “Như vậy rõ ràng việc kiểm tra ngoại ngữ đã không thực sự hướng được đến các kỹ năng đầy đủ của một sinh ngữ”, ông Minh nhận xét.
Cũng theo ông Minh, một điểm khó giải thích nữa là điểm thi của cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì đứng gần thấp nhất trong nhiều bảng xếp hạng. Ở bảng tổng thể (gồm cả cụm thi ĐH và cụm thi tốt nghiệp), cụm thi tốt nghiệp của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 4 từ dưới lên (tức 111 từ trên xuống) với mức bình quân 3,63 điểm trong khi nhiều cụm thi tốt nghiệp của các địa phương vùng khó khăn có mức cao hơn nhiều, tiêu biểu như Bắc Kạn (4,83), Tuyên Quang (4,77), Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng...
Theo ông Minh điều này cho thấy hoặc là ở Hà Nội có một lượng lớn thí sinh (TS) không quan tâm đến việc tốt nghiệp THPT điểm cao (có thể TS chuẩn bị đi du học), hoặc kết quả TS các “vùng trũng” của Hà Tây cũ kéo tụt điểm bình quân của học sinh Hà Nội xuống. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng do Hà Nội tổ chức thi nghiêm túc hơn ở một số nơi khác.
Cụm địa phương thống lĩnh môn sử, địa
Kết quả thống kê cho thấy với 2 môn sử, địa thì những đơn vị có điểm bình quân cao nhất chính là cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.
Chẳng hạn, trong số 15 đơn vị có điểm bình quân môn địa lý cao nhất cả nước thì có đến 12 đơn vị do sở GD-ĐT chủ trì (xếp lần lượt từ cao xuống thấp là Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Nam). 3 cụm còn lại tuy do ĐH chủ trì nhưng lại đều tổ chức thi ở các địa phương thuộc vùng khó khăn, lần lượt là Trường ĐH Tân Trào (chủ trì thi ở Tuyên Quang), Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế (ở Quảng Trị), Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên (ở Bắc Kạn). Tính cả cụm thi ĐH và địa phương, Tuyên Quang đã trở thành địa phương có điểm thi bình quân môn này cao nhất nước: 6,36. Trong khi đó, vị trí của TS các thành phố lớn như TP.HCM là 4,44 (xếp thứ 58), Đà Nẵng 4,88 (thứ 53), Hà Nội 4,94 (thứ 50), Hải Phòng 5,31 (thứ 35), Cần Thơ 5,65 (thứ 23).
Môn sử cũng tương tự. Nhóm 15 đơn vị dẫn đầu vẫn tiếp tục phần lớn là các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì, trong đó đầu bảng là Quảng Nam với điểm bình quân là 6,63. Tiếp theo là các sở GD-ĐT Ninh Thuận (6,42), Sóc Trăng và Yên Bái (đều 5,99), Bắc Kạn (5,96), Hà Giang (5,90), Ninh Bình (5,87). Một cụm thi do ĐH chủ trì nhưng coi thi ở Yên Bái là Học viện Tài chính cũng lọt vào nhóm này (thứ 9) với mức điểm bình quân của TS là 5,80. Nhờ đó mà Yên Bái trở thành địa phương có điểm bình quân môn sử cao nhất nước (5,91). Xếp ngay sau là Bắc Kạn (5,72). Một số tỉnh miền núi phía bắc khác như: Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn... cũng lọt vào nhóm 13 địa phương có điểm thi bình quân môn sử cao nhất.
Nhờ có điểm sử, địa kéo nên Yên Bái trở thành địa phương có điểm bình quân khối C cao nhất nước: 16,89 điểm/3 môn. So với điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng của khối C mà Bộ GD-ĐT quy định năm ngoái, mức này cao hơn gần 2 điểm. Trong danh sách những tỉnh “mạnh” khối C (đạt điểm bình quân từ 16 điểm/3 môn trở lên) còn có Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Một số tỉnh miền núi phía bắc cũng có điểm bình quân khá cao (trên 15): Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn. Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ là 3 đại diện các tỉnh phía nam (từ Đà Nẵng trở vào) trong danh sách 25 địa phương đạt điểm bình quân khối C từ 15 điểm/3 môn trở lên.
Với những kết quả này, tiến sĩ Đàm Quang Minh, cho rằng một kỳ thi tuyệt đối không có tiêu cực là khó xảy ra. Vấn đề tỷ lệ tiêu cực như thế nào thì có thể chấp nhận được? Về đại thể, kỳ thi năm nay tốt hơn kỳ thi năm ngoái ở khâu minh bạch thông tin nhưng có thể đâu đó vẫn còn chuyện coi thi “lỏng”. Để có cái nhìn thấu đáo, việc các cơ quan nghiên cứu cũng như Bộ GD-ĐT tiếp tục phân tích sâu kết quả với từng cụm thi, đặc biệt là tới từng phòng thi là điều nên làm.