Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - phát biểu tại ngày hội tư vấn xét tuyển.
Lưu ý chọn tổ hợp môn thi để tăng cơ hội trúng tuyển
Thời điểm này thí sinh đã có kết quả thi THPT quốc gia, nên rất nhiều câu hỏi của thí sinh mong muốn được giải đáp về nguyện vọng xét tuyển, lựa chọn tổ hợp xét tuyển nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH.
Ông Nam Nhật Minh - Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh & Công nhận văn bằng (Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT) - đưa ra lời khuyên:
Với phương thức xét tuyển năm nay, thí sinh có thể đăng kí thi nhiều môn và đăng kí xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của các trường. Một thí sinh có thể đăng kí 2 tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường.
Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng kí tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng trong một đợt tuyển sinh. Do đó, thí sinh nên chọn tổ hợp môn nào có kết quả cao hơn thì cơ hội nhiều hơn.
Liên quan đến lo lắng về hồ sơ ảo, theo ông Minh, nếu thí sinh đăng kí trực tuyến, thông tin sẽ nhập vào hệ thống dữ liệu và hệ thống này sẽ không cho phép thí sinh đăng kí quá nhiều nguyện vọng.
Với hồ sơ gửi theo đường bưu điện, cán bộ tuyển sinh các trường nhập dữ liệu vào hệ thống. Nguyện vọng nào tới trước được nhập trước. Nếu thí sinh nộp quá nguyện vọng cho phép thì nguyện vọng gửi đến sau sẽ không hợp lệ, không được nhập vào hệ thống quản lý trung tâm.
Làm tròn điểm thi
Trong buổi tư vấn, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) – nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc làm tròn điểm thi.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Quy chế thi THPT quốc gia năm 2016 quy định điểm bài thi trắc nghiệm vẫn được tính trên thang điểm 10 nhưng được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Theo qui định này, hội đồng chấm thi sẽ phải lấy từ 0,01 đến 0,99 điểm đối với bài thi trắc nghiệm.
Nếu thí sinh được 4,99 điểm thi THPT quốc gia 2016 cũng không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên. Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 thì mới được cộng tròn thành 5 điểm.
Chính vì vậy, đối với những môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể thấy điểm thi của mình lẻ đến hai chữ số thập phân hoặc lẻ ở những mức như 7,3 hay 9,6 hoặc 9,8 (chứ không tròn 7,5 hay 9,5 hoặc 9,75 như năm trước).
Đối với những môn thi tự luận cũng có điểm thi lẻ. Đó là những trường hợp bài thi có kết quả chấm của ba cán bộ chấm thi lệch nhau. Trong trường hợp đó, điểm của bài thi là tổng điểm ba lần chấm chia ba. Kết quả cuối cùng cũng chỉ làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Ví dụ như bài thi được 6,257 sẽ làm tròn lên thành 6,26 điểm, còn nếu là 6,254 điểm sẽ làm tròn xuống thành 6,25 điểm, thay vì làm tròn thành 6,3 như trước đây.
Thí sinh sẽ không được làm tròn điểm từng môn thi mà khi xét tuyển, cộng tổng điểm ba môn mới được làm tròn đến 0,25 điểm. Ví dụ thí sinh được 23,35 điểm sẽ được làm tròn thành 23,25. Nếu thí sinh được 17,55 hay 17,60 sẽ được làm tròn thành 17,5 điểmLưu ý xét tuyển nhóm GX
Lưu ý xét tuyển nhóm GX
Trước câu hỏi của một thí sinh muốn đăng ký cả trường trong nhóm GX và trường ngoài nhóm thì hồ sơ đăng ký xét tuyển khác nhau như thế nào, ông Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết:
Nhóm GX gồm 12 trường ĐH, bao gồm khối ngành kinh tế, kỹ thuật, với chỉ tiêu dự kiến khoảng 45 nghìn sẽ thu thút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển.
Mẫu đơn đăng ký xét tuyển của nhóm GX được thiết kế khác so với mẫu đăng ký xét tuyển các trường khác, thí sinh có thể tải mẫu đơn này từ trang web của các trường thuộc nhóm và website của Bộ GD&ĐT. Thí sinh đăng ký vào trường nhóm GX phải lưu ý dùng mẫu đơn đăng ký xét tuyển riêng của nhóm.
Lưu ý: Nếu thí sinh đã đăng ký 2 – 3 nguyện vọng trở lên trong nhóm GX sẽ không có quyền đăng ký vào trường ngoài nhóm GX nữa.
Về phương thức xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu đăng ký xét tuyển đến bất kỳ trường nào trong nhóm 12 trường của GX.