Giáo sư Trần Hồng Quân: "Muốn dự đoán tương lai của ngành giáo dục, hãy nhìn vào chính sách
của Nhà nước và thái độ của xã hội đối với đội ngũ giáo viên" (Ảnh: Thùy Linh)
Câu chuyện chênh lệch điểm chuẩn xét tuyển vào các trường chắc chắn còn dư âm kéo dài. Có trường tuyển trên 30 điểm; thí sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt.
Có trường tuyển học trò chỉ cần mỗi môn 3 điểm, và đáng buồn thay, lại là trường sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên toàn quốc, xây dựng chuẩn chất lượng cho hệ thống các trường sư phạm và 3 năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường này cũng liên tục được cắt giảm.
Trăn trở với những cái khó của ngành giáo dục, trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chỉ rõ những vấn đề cần phải giải quyết ngay để chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm được nâng cao, học sinh giỏi chọn vào học các trường sư phạm.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến của Giáo sư Trần Hồng Quân.
Mấy ngày nay dư luận xôn xao lo lắng về mức điểm trúng tuyển vào nhiều trường sư phạm rất thấp dù năm nay điểm thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh đạt điểm khá cao so với mọi năm.
Cũng có ý kiến kêu gọi bình tĩnh trước tình hình này với nhiều lý giải khác nhau. Nhưng dù lý giải cách nào thì cũng không thể coi như không có chuyện gì mà đây thực sự thêm một lần nữa cảnh báo về thảm họa tương lai của nền giáo dục.
Tại sao khi sinh khá giỏi và trung bình không chọn thi vào các trường sư phạm?
Tại sao các em có trình độ học dưới trung bình còn phải "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm"?
Thật buồn cho người làm thầy, thật buồn cho ngành giáo dục trong khi về danh nghĩa vẫn coi nghề làm thầy là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
Có lần Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn ưu tư với tôi rằng anh rất khó tìm được những nghiên cứu sinh đủ trình độ để đào tạo tiến sĩ Toán từ các giáo sinh tốt nghiệp sư phạm.
Tôi chỉ biết thở dài.
Tôi thở dài trước ưu tư của một nhà toán học lớn như anh và thở dài vì một lý do khác là trong Đại hội Toán học lần thứ 5 của Hội Toán học Việt Nam diễn ra ở Đại học Bách Khoa Hà Nội năm đó có nhiều nhà Toán học nổi tiếng thế giới đến dự và trong phát biểu, họ dự báo rằng:
Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc Toán học trong thời gian không lâu vì họ đánh giá là học sinh Việt Nam có năng lực tư duy logic tốt, nhiều em rất giỏi Toán từ phổ thông.
Rất tiếc là tất cả dự báo đó đều không biến thành hiện thực dù trong những lần thi Toán quốc tế chúng ta đều đem về những thành tích tốt.
Những em giỏi Toán ở phổ thông phần lớn không tiếp tục phát triển theo ngành Toán.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra câu chuyện của ngành Toán cũng giống như câu chuyện đối với sư phạm.
Đó là kết quả tất yếu của sự đối xử của xã hội.
Chuyên làm Toán thì nghèo khổ, chuyên làm thầy thì cùng cực.
Có một vòng xoáy đáng sợ rằng, chúng ta chọn những thí sinh yếu kém vào sư phạm để đào tạo ra lớp thầy không giỏi thì lớp thầy kém đó sẽ đào tạo ra lớp học sinh kém và chúng ta lại chọn những em kém nhất trong số các học sinh kém đó để trở vào học sư phạm, đào tạo ra lớp thầy kém mới và vòng xoáy đi xuống đó cứ tiếp tục.
Dù chúng ta tôn vinh các nhà giáo, thế là đúng và cần thiết nhưng nhà giáo không thể sống chỉ bằng vinh quang.
Xuân Diệu có lần nói: "Cơm áo không đùa với khách thơ". Nhà giáo cũng thế. Không sống được bằng tiền lương chính thức thì phải làm thêm nghề khác.
Có cô giáo làm bánh mang ra bán ở bến xe ; có thầy chạy xe ôm, phải ăn mặc "bụi" thì khách mới gọi.
Có thầy nuôi heo nhưng thầy bảo: "Không phải tôi nuôi heo mà heo nuôi tôi để tôi có thể tiếp tục làm thầy" .
Có người không làm được nghề phụ nào sống phải dạy thêm kiếm tiền, dần dần bị tha hóa nghề nghiệp.
Thực sự, trong khốn khó muốn giữ trọn vẹn nhân cách và sự tự trọng là không dễ.
Những tấm gương xả thân của thầy cô có thể thấy khắp mọi miền Tổ quốc và những hoàn cảnh khốn khó của thầy cô cũng có thể thấy khắp nơi.
Các lớp học sinh rất yêu mến thầy cô của mình, thậm chí có khi còn tin tưởng thầy cô hơn cha mẹ nhưng rất nhiều em không muốn theo nghiệp làm thầy.
Câu chuyện các trường sư phạm có điểm tuyển quá thấp không nên chỉ trách hoặc trước hết trách các trường sư phạm; cũng không nên chỉ trách hoặc trước trách ngành Giáo dục mà đây là hệ thống chính sách của Nhà nước kéo dài nhiều năm.
Đó là một trong những nguyên nhân lớn đem đến hệ quả nhãn tiền là chất lượng giáo dục sa sút như hiện nay.
Muốn dự đoán tương lai của một quốc gia, hãy nhìn vào ngành giáo dục.
Muốn dự đoán tương lai của ngành giáo dục, hãy nhìn vào chính sách của Nhà nước và thái độ của xã hội đối với đội ngũ giáo viên.