Theo bảng xếp hạng các đại học châu Á năm 2016 của QS University Rankings, Đại học Quốc Gia Hà Nội đứng thứ 139, trong khi Đại học Quốc gia TP HCM xếp thứ 147. Năm ngoái, hai trường này lần lượt nằm trong nhóm 191 - 200 và 201 - 250.
Năm nay, chỉ số chung của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 39, còn Đại học Quốc gia TP HCM đạt 38.
|
Vị trí của một số đại học ở Việt Nam trên bảng xếp hạng các đại học tốt nhất châu Á năm 2016. Ảnh chụp màn hình.
|
Tuy nhiên, xét theo danh tiếng học thuật, Đại học Quốc gia TP HCM xếp trên với chỉ số đạt 70,3 (xếp thứ 55). Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 63,3 (xếp thứ 65).
Đại học Quốc gia TP HCM tiếp tục dẫn trước ở danh tiếng cựu sinh viên với chỉ số 35,9 trong khi Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 29,2. Vị trí của hai trường trên bảng xếp hạng theo tiêu chí này lần lượt là 141 và 168.
Về chỉ số trao đổi sinh viên quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 35,8, đứng thứ 62 trên toàn bảng xếp hạng trong khi Đại học Quốc gia TP HCM nằm ngoài danh sách 200 trường đứng đầu.
Ngoài hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM, một số trường đại học khác của Việt Nam cũng có tên trong danh sách của QS University Rankings như Đại học Cần Thơ (nhóm 251 - 300), Đại học Huế (nhóm 301 - 350).
|
Đại học Quốc gia TP HCM đứng trên Đại học Quốc gia Hà Nội về danh tiếng học thuật.Ảnh chụp màn hình.
|
QS University Rankings xếp hạng các đại học tốt nhất châu Á dựa trên 10 tiêu chí: Danh tiếng học thuật, danh tiếng cựu sinh viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ các nghiên cứu được trích dẫn và tỷ lệ công trình nghiên cứu/giảng viên, tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên là người nước ngoài và tỷ lệ sinh viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên trao đổi.
Trong đó, hai tiêu chí quan trọng nhất là danh tiếng học thuật và danh tiếng cựu sinh viên, lần lượt chiếm 30% và 20% trong chỉ số chung.
Năm nay, Đại học Quốc gia Singapore tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng các đại học tốt nhất châu Á của QS. Đứng thứ hai là Đại học Hồng Kông (Trung Quốc). Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tăng một bậc so với năm ngoái, xếp thứ 3.